Mực nước ngầm ở các tỉnh, thành phố ven biển ở mức báo động

Việc khai thác nước dưới đất quá mức cùng với sự hiểu biết của người dân còn hạn chế khiến mực nước ngầm hạ thấp, sụt lún, ô nhiễm nguồn nước và xâm nhập mặn gia tăng ở các tỉnh, thành phố ven biển.
Khoan khai thác nước ngầm chống hạn cho lúa. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Mực nước ngầm ở các tỉnh, thành phố ven biển kéo dài từ Hải Phòng đến Cà Mau đang hạ xuống mức báo động.

Cảnh báo trên được ông Nguyễn Chí Công - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại hội thảo quốc tế về Quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ven biển - Kinh nghiệm quản lý nước dưới đất khu vực Đông-Đông Nam Á (CCOP 2016). 

Hội thảo do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia phối hợp với Ban điều phối các Chương trình Khoa học địa chất Đông Nam Á (CCOP), Học viện liên bang về Khoa học địa chất và Tài nguyên thiên nhiên của Cộng hòa Liên bang Đức (BGR) tổ chức tại Cần Thơ ngày 19/1 với sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Theo đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia, hiện nay, phần lớn các tỉnh, thành phố trong cả nước đang khai thác nước dưới đất phục vụ sinh hoạt sản xuất, trong đó một số địa phương ven biển phía Tây và phía Đông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gần như sử dụng 100% nước dưới đất cho ăn uống, sinh hoạt.

Tổng lượng khai thác nước dưới đất hiện nay trên cả nước lên tới gần 5 triệu m3/ngày và sẽ tiếp tục tăng nhằm đáp ứng nhu cầu do quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu dùng nước sạch ngày càng nhiều.

Việc khai thác nước dưới đất quá mức trong khi quy hoạch giếng chưa hợp lý, hiểu biết về hệ thống tầng chứa nước cũng như khả năng bị ảnh hưởng trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng của người dân còn hạn chế. Hiện trạng này gây ra nhiều hệ luy như hạ thấp mực nước, sụt lún, ô nhiễm nguồn nước và xâm nhập mặn gia tăng ở các tỉnh, thành phố ven biển.

Ông Nguyễn Chí Công cho biết kết quả quan trắc và các nghiên cứu gần đây của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia cho thấy ở các thành phố ven biển như Thành phố Hồ Chi Minh, Hải Phòng, Nam Định, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước mực nước ngầm đang hạ xuống ở mức đáng báo động.

Chẳng hạn như ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), mực nước ngầm hạ xuống gần 10m trong vòng một thập kỷ qua. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mực nước cũng hạ thấp gần 18m kể từ năm 1995.

Ngoài sự suy giảm về trữ lượng, chất lượng nguồn nước ngầm khu vực ven biển cũng có dấu hiệu bị suy thoái nghiêm trọng do nhiễm bẩn và nhiễm mặn.

Điển hình như vùng ven biển Đồng bằng Bắc bộ, gần như toàn bộ tầng chứa nước Holocen phía trên bị nhiễm mặn hoặc nhiễm bẩn; hầu hết tầng chứa nước Pleistocen phía dưới có độ khoáng hóa cao hơn 1.000mg/1, không đủ tiêu chuẩn cấp nước cho ăn uống.

Tương tự, các tỉnh ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long liên tục đối mặt với tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa khô và ngập do triều cường vào mùa mưa.

Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Trưởng ban Quan trắc tài nguyên nước-Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia thừa nhận: Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây mực nước mặt suy giảm mạnh do ảnh hưởng bởi khai thác nước ở trung tâm nguồn, từ đó dẫn đến nước mặn xâm nhập mạnh vào các con sông.

Nước ngầm là nguồn nước rất quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, phát triển kinh tế, xã hội cho các tỉnh, thành phố ven biển. Tuy nhiên, hiện một số địa phương ven biển đã xuất hiện tình trạng khai thác nguồn nước ngầm vượt quá giới hạn cho phép dẫn đến hiện tượng sụt lún ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau…

Những thách thức này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển trải dài hơn 3000 km và được dự báo là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ông Adichat Surinkum, Giám đốc Ban Thư ký Kỹ thuật - Ban điều phối các Chương trình Khoa học địa chất Đông Nam Á, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia mà nước dưới đất là nguồn cung cấp chủ yếu từ lâu đời với trữ lượng khai thác ngày càng tăng, đặc biệt các khu vực ven biển.

Việc khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế, xã hội là cần thiết nhưng việc khai khác cần phải có kiểm soát, chấp hành các quy định của Nhà nước về khai thác nguồn nước, không được khai thác cạn kiệt nguồn nước…

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều chương trình điều tra, đánh giá, xác định ngưỡng giới hạn khai thác của nước ngầm, các tầng chứa nước ở các vùng trọng điểm các thành phố lớn, các tỉnh ven biển. Cho đến nay, ở các vùng trọng điểm thành phố lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định được ngưỡng giới hạn khai thác nước ngầm.

Bộ đang tiếp tục xác định ngưỡng khai thác của tầng chứa nước ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Từ kết quả thu được, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ có căn cứ để quản lý nguồn nước, không khai thác nguồn nước vượt quá giới hạn cho phép…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục