Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội có xu hướng xuống

Trong khoảng 10 ngày tới (từ ngày 13-23/9), thời tiết khu vực Bắc Bộ có xu hướng tốt dần lên, chủ đạo là ngày nắng; trong khi đó lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2.
Mực nước bắt đầu hạ, các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương an toàn (ảnh chụp sáng 12/9). (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Tình hình lũ trên một số sông ở khu vực Bắc Bộ vẫn đang ở mức cao, lúc 13 giờ ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,88m, trên báo động 3 là 0,88 m, trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 6,22m, trên báo động 3 là 0,22m, trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,2 m, dưới báo động 3 là 0,47m...

Để tìm hiểu về diễn biến lũ trên các sông và các hình thái thời tiết trong thời gian tới, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

- Ông đánh giá thế nào về tình hình lũ trên các sông tại một số địa phương chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua?

Ông Vũ Anh Tuấn: Từ 15 giờ 30 đến đêm 12/9, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2 và ở trên báo động 1.

Hạ lưu vùng đồng bằng sông Thái Bình từ 15 giờ 30 tới đêm 12/9 sẽ vẫn lên chậm, duy trì ở mức cao trên báo động 3 tại các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, đặc biệt tại Nam Định mực nước lũ trên sông Đào, sông Ninh Cơ tiếp tục lên và đạt đỉnh vào tối 12/9 (khoảng 19h-22h) và đều vượt mức lũ lịch sử năm 1971 (Nam Định: 5,3-5,35m, Trực Phương: 3,75m).

- Ông có lưu ý gì về thời tiết trong những ngày tới, thưa ông?

Ông Vũ Anh Tuấn: Trong khoảng 10 ngày tới (từ ngày 13-23/9), thời tiết khu vực Bắc Bộ có xu hướng tốt dần lên, chủ đạo là ngày nắng, một vài nơi có mưa rào và dông vào chiều tối. Nhiệt độ có xu hướng tăng dần và phổ biến trong khoảng 31-34 độ C.

Khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, trong 1-2 ngày đầu (13-14/9), vẫn còn xảy ra mưa rào, dông về chiều tối và đêm, cục bộ ở một vài nơi có mưa to. Sau đó thời tiết chuyển trạng thái tốt lên, chủ đạo là ngày có nắng; chiều tối có mưa rào, dông ở một vài nơi. Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến khoảng 31-33 độ C.

Khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào, dông và có xu hướng tăng lên về diện mưa, lượng mưa trong những ngày tới, cục bộ sẽ có nơi có mưa to. Nhiệt độ phổ biến từ 30-33 độ C.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa và dông nhiều nơi, cục bộ có những nơi có mưa to đến rất to. Mưa tập trung nhiều từ chiều đến đêm; ngày trời nắng nên nhiệt độ ở Nam Bộ vẫn tăng cao 30-33 độ C. Nhiệt độ phổ biến ở Tây Nguyên từ 27-30 độ C.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương và người dân ở khu vực Bắc Bộ cần hết sức lưu ý, mặc dù trời không mưa nhưng nguy cơ về sạt lở đất vẫn còn rất cao trong những ngày tới, đặc biệt trên khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc vì vừa qua, khu vực này đã xảy ra một đợt mưa rất lớn và kéo dài nên trạng thái đất đã trở nên bão hòa.

Khu vực Trung Bộ lưu ý đến các hiện tượng thời tiết nguy hiểm thường xảy ra trong mưa dông như lốc sét và gió giật mạnh. Vùng núi các tỉnh Bắc Trung Bộ cần đề phòng sạt lở đất trong những ngày đầu thời kỳ dự báo.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, ngoài việc đề phòng lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh trong mưa dông còn phải cảnh giác với hiện tượng sạt lở đất trên khu vực Tây Nguyên.

Người dân phố Cầu Đất (quận Hoàn Kiếm) dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sau khi nước rút. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

- Thưa ông, trong những tháng tới có khả năng xuất hiện các hình thái thời tiết nguy hiểm nào không?

Ông Vũ Anh Tuấn: Dự báo từ nay đến hết tháng 9/2024, có khả năng xuất hiện 1-2 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông (khả năng tập trung vào 10 ngày cuối tháng 9) và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Mùa mưa ở Trung Bộ có khả năng đã bắt đầu từ khoảng giữa tháng 9 ở phía Bắc của miền Trung và cuối tháng 9 ở phía Nam miền Trung.

Cùng với đó, nắng nóng ít có khả năng xuất hiện diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

- Trước các hình thái thời tiết như phân tích trên, ông có khuyến cáo gì với người dân và chính quyền địa phương?

Ông Vũ Anh Tuấn: Người dân cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai đặc biệt là hết sức lưu ý với hiện tượng sạt lở đất trên khu vực các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Người dân cần chủ động trong phòng tránh thiên tai cho chính mình và sau đó là cho cả cộng đồng; tránh xa những khu vực nguy hiểm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Trong điều kiện thời tiết xảy ra mưa dông mạnh, hệ quả đi kèm là cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có thể bị thổi bay trong không khí… Người dân cần hạn chế đến mức thấp nhất việc di chuyển bên ngoài trong điều kiện có mưa dông mạnh.

- Trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục