Mục tiêu khác trong Chiến lược tình báo quốc gia mới của Pháp

Chiến lược tình báo quốc gia mới của Pháp nhấn mạnh khủng bố vẫn là "ưu tiên hàng đầu," song cũng đặt ra mục tiêu khác là "dự đoán các cuộc khủng hoảng," đặc biệt là các vấn đề an ninh nội bộ.

Tám tháng sau khi phong trào "Áo vàng" bùng phát thông qua các mạng xã hội, nhà chức trách Pháp vừa đề ra "Chiến lược tình báo quốc gia" mới, đưa các cuộc khủng hoảng xã hội thành một trong những vấn đề ưu tiên.

"Chiến lược tình báo quốc gia," do Cơ quan điều phối quốc gia về tình báo và chống khủng bố (CNRLT) soạn thảo, vừa được công bố trên trang web của Văn phòng Thủ tướng. Chiến lược này, đã được Tổng thống Emmanuel Macron phê chuẩn, đặt ra các mục tiêu chính của chính sách tình báo. Mặc dù nhấn mạnh rằng khủng bố vẫn là "ưu tiên hàng đầu," tài liệu dài 13 trang này cũng đưa ra một mục tiêu khác là "dự đoán các cuộc khủng hoảng," đặc biệt là các vấn đề an ninh nội bộ.

Cuộc khủng hoảng xã hội do phong trào "Áo vàng" khởi xướng không được đề cập rõ ràng trong tài liệu chiến lược. Tuy nhiên, tám tháng sau sự bùng nổ của những lời kêu gọi trên các mạng xã hội mà tình báo đã rất khó nắm bắt, tài liệu chiến lược nhấn mạnh: "Dự đoán, phân tích và giám sát các phong trào xã hội và khủng hoảng xã hội là một ưu tiên hàng đầu của các cơ quan tình báo."

Tài liệu đề cập đến các nhóm cực đoan trong trang phục màu đen, mà trước đó vào tháng 3/2019 Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner đã tố cáo sự hiện diện của những phần tử này trà trộn giữa những người biểu tình hưởng ứng phong trào "Áo vàng," cũng như những hành động bạo lực và cố tình xâm nhập vào các khu vực cấm. Cần nhắc lại rằng vào tháng 1/2019, một số người biểu tình đã dùng một máy xúc trong công trường xây dựng để phá vỡ cửa của Văn phòng người phát ngôn Chính phủ.

Sự gia tăng của các phong trào và mạng lưới đòi lật đổ chính quyền được mô tả là một yếu tố khủng hoảng "đặc biệt đáng lo ngại." Để đối phó, Cơ quan điều phối quốc gia chủ trương "tăng cường cảnh giác" trong các cơ quan tình báo và trên hết, cần có một sự hiểu biết tốt hơn về các trào lưu xã hội.

[Chính phủ Pháp thừa nhận điểm yếu an ninh sau các vụ bạo động]

Từ quan điểm này, kiến thức về đời sống địa phương và mối liên hệ được duy trì với các tác nhân của nó - như giới chức được dân bầu, các hội đoàn hoặc phương tiện truyền thông, là những vấn đề quan trọng mà các cơ quan tình báo phải tìm hiểu và nắm bắt kỹ càng. Trên tinh thần đó, Cơ quan điều phối quốc gia khuyến nghị dự đoán "sự bạo lực thái quá" có thể ảnh hưởng đến các sự kiện lễ hội hoặc thể thao, hoặc liên quan đến những yêu sách cộng đồng, tôn giáo, đạo đức...

Việc tập trung vào các cuộc khủng hoảng xã hội trong nước và khẳng định lại tầm quan trọng của tình báo nội địa đã không hề được đề cập đến trong phiên bản đầu tiên của "Chiến lược tình báo quốc gia" được công bố tháng 10/2014. Sự thay đổi này một phần là do sự phát triển của lĩnh vực tình báo. Sau khi cơ quan tình báo nội địa bị giải thể vào năm 2008, hàng loạt phong trào biểu tình gây bất ổn xã hội và đỉnh điểm là vụ chiếm giữ nhà thờ Hồi giáo ở Poitiers vào năm 2012, đã cho thấy những điểm yếu trong công tác tình báo.

Cơ quan trung ương tình báo lãnh thổ (SCRT) sau đó đã được thành lập vào năm 2014 và ngày càng phát triển. Nguồn lực của nó, đặc biệt là con người, đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.

Theo một tài liệu do Bộ Nội vụ công bố tháng 4/2019, SCRT hiện có hơn 2.800 thành viên, trong đó gần 300 thuộc lực lượng hiến binh, so với quân số khoảng 2.000 người vào cuối năm 2014. SCRT sẽ tiếp tục mở rộng, với dự kiến sẽ có thêm 400 nhân viên, bao gồm hơn 100 hiến binh, vào năm 2022.

Bên cạnh sự "tái đầu tư" trong lĩnh vực tình báo nội địa, Chiến lược tình báo quốc gia mới đã nêu lên nhiều cải cách khác được thực hiện trong 10 năm qua, như hợp pháp hóa các kỹ thuật tình báo trong luật năm 2015 hoặc củng cố năng lực các cơ quan điều phối và kiểm soát. Tuy nhiên, không có bất kỳ sự thay đổi lớn nào về tổ chức các cơ quan tình báo được dự kiến thực hiện trong thời gian tới.

Chiến lược tình báo quốc gia mới sẽ được phản ánh trong Kế hoạch định hướng tình báo quốc gia, một tài liệu bí mật chỉ dành cho các cơ quan tình báo, trong lần sửa đổi sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục