Mưu đồ của nước Mỹ khi từng bước “cởi trói” cho Ấn Độ

Ấn Độ không chỉ có thể nhập khẩu từ Mỹ công nghệ kỹ thuật nhạy cảm liên quan đến khoa học kỹ thuật quốc phòng, mà còn trở thành nước Nam Á duy nhất có được “địa vị" đó.
Mưu đồ của nước Mỹ khi từng bước “cởi trói” cho Ấn Độ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Flickr/MEAphotogallery)

Tờ Đông phương, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong, ngày 9/8 đăng bài bình luận cho rằng Mỹ đang từng bước “cởi trói” cho Ấn Độ với mưu đồ lôi kéo New Delhi cùng với Washington kiềm chế Bắc Kinh bởi Trung Quốc mới là đối thủ thực sự của Mỹ.

Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tiết lộ Washington đã nới lỏng quản chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang thị trường Ấn Độ.

Đổi lại, New Delhi cũng đang xem xét trì hoãn kế hoạch đánh thuế mang tính “trả đũa” đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, hy vọng Mỹ không còn đánh thuế cao đối với sản phẩm thép và nhôm của Ấn Độ.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) “hòa giải,” tiếp đến là Ấn Độ ngả sang phía Mỹ, khiến mạng lưới bủa vây Trung Quốc của Mỹ ngày càng siết chặt.

Truyền thông phương Tây đưa tin mới đây Mỹ đã dành cho Ấn Độ quy chế Quyền Thương mại Chiến lược-1 (STA-1), qua đó "thừa nhận mối quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ-Ấn" và có thể so sánh với các đồng minh NATO đáng tin cậy khác.

[Ấn Độ thay Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu dầu hàng đầu của Mỹ]

Như vậy, Ấn Độ không chỉ có thể nhập khẩu từ Mỹ công nghệ kỹ thuật nhạy cảm liên quan đến khoa học kỹ thuật quốc phòng, mà còn trở thành nước Nam Á duy nhất có được “địa vị" đó.

Hiện các nước có được “địa vị” này gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh NATO của Mỹ.

Giới phân tích Trung Quốc nêu rõ trên thực tế từ sau khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đến nay, mối liên hệ giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng chặt chẽ hơn cả về chính trị và kinh tế.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang có xu thế mở rộng và tăng nhiệt, Mỹ càng có nhu cầu lôi kéo Ấn Độ về phía mình, kiềm chế Trung Quốc.

Thực tế đã cho thấy không ít các ông trùm dầu mỏ của Mỹ lo ngại Bắc Kinh tiếp tục gia tăng thuế suất đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Mỹ, đã chuyển hướng sang New Delhi, hy vọng Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc, trở thành thị trường nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích Trung Quốc cảnh báo “thế giới này không có bữa trưa miễn phí,” đương nhiên Ấn Độ phải mở cửa thị trường hơn nữa đối với nông sản, thiết bị y tế và sản phẩm điện tử của Mỹ.

Ví như trong lĩnh vực thiết bị y tế, Ấn Độ đang xem xét kiến nghị của phía Mỹ, tiến hành hạn chế lợi nhuận đối với các sản phẩm liên quan chứ không phải là trực tiếp kiểm soát giá cả.

Còn trong lĩnh vực sản phẩm điện tử, Ấn Độ đang xem xét “phá rào cởi trói” đối với sản phẩm của Mỹ, chỉ cần sản phầm phù hợp với tiêu chuẩn sở tại của Mỹ, không cần phải đáp ứng “yêu cầu ngoại lệ” của New Deli là có thể xâm nhập thị trường Ấn Độ.

Theo giới phân tích Trung Quốc, thái độ thắt chặt trước, nới lỏng sau của Mỹ không chỉ áp dụng riêng với Ấn Độ. Ví như bất kể là Mỹ “nghiến răng đe dọa” như thế nào với EU, kết quả vẫn là hai bên hòa giải.

Nhật Bản cũng giống như vậy, gần đây Washington đã đưa cành ô lưu với Tokyo và ngày 5/8 hai nước đã lần đầu tiên tổ chức đàm phán thương mại song phương tại Washington.

Trên thực tế, đây chính là “nghệ thuật giao dịch” mà ông Donald Trump - vị Tổng thống Mỹ xuất thân từ một doanh nhân - vẫn thường nói: "Phô trương thanh thế chính là để có được nhiều hơn lợi thế trên bàn đàm phán."

Nhưng Trung Quốc lại là ngoại lệ, lần này Ấn Độ đã đưa ra nhượng bộ với Mỹ như mở cửa thị trường để tránh bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Điều đáng nói là Trung Quốc cũng đã từng có những cam kết như vậy, đáng tiếc là Mỹ không chấp nhận, trái lại còn không ngừng gây sức ép với Trung Quốc.

Suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa chính là do Ấn Độ khác với Trung Quốc, Trung Quốc mới là đối thủ thực sự của Mỹ.

Giới phân tích tin rằng trong tương lai Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi chống Trung Quốc, do vậy Trung Quốc cần có sự chuẩn bị trước để đối phó với tương lai bất lợi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.