Mỹ bác bỏ các sáng kiến an ninh và phát triển toàn cầu của Trung Quốc

Quan chức Ngoại giao Mỹ cảnh báo Washington phải bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm “định hình lại trật tự vì lợi ích của Bắc Kinh."
Mỹ bác bỏ các sáng kiến an ninh và phát triển toàn cầu của Trung Quốc ảnh 1Ông Rick Waters, Điều phối viên các vấn đề Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ. (Nguồn: Baltics News)

Theo SCMP, Giới chức ngoại giao Mỹ ngày 21/6 cảnh báo Mỹ phải bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm “định hình lại trật tự vì lợi ích của chính nước này,” đồng thời bác bỏ các sáng kiến an ninh và phát triển toàn cầu mà Bắc Kinh đang thúc đẩy.

Ông Rick Waters thuộc Văn phòng Điều phối Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã đưa ra nhận định trên tại một sự kiện của Hội đồng Đại Tây Dương nhằm thảo luận về Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) của Trung Quốc.

Ông cảnh báo Bắc Kinh đang cố miêu tả trật tự quốc tế hiện nay như một cấu trúc của phương Tây.

[Trung Quốc công bố tài liệu khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu]

Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất năm ngoái và chính thức được thông báo hồi tháng Hai, GSI chủ trương tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia khác.

GSI là phần bổ sung cho Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), một đề xuất khác của Chính phủ Trung Quốc, đóng vai trò như một tuyên ngôn nhằm khuếch trương quan điểm của Bắc Kinh về các chính sách phát triển.

Các nhà phê bình Mỹ cho rằng cả hai sáng kiến này đều củng cố nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bác bỏ các giá trị tự do toàn cầu như dân chủ và nhân quyền.

Ông Waters nói: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có cả ý định định hình lại trật tự thế giới và sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ gia tăng để làm điều này. Kế hoạch chi tiết của Bắc Kinh sẽ khiến chúng ta rời xa các giá trị phổ quát đã duy trì rất nhiều tiến bộ của thế giới trong 75 năm qua.”

Ông Waters phủ nhận việc các nguyên tắc trong trật tự toàn cầu là “sự kiến tạo của phương Tây,” lập luận rằng Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Nhân quyền là nguyện vọng chung trên toàn cầu.

Ông giải thích rằng cách để ngăn chặn nỗ lực sửa đổi của Trung Quốc là đổi mới các nguyên tắc này để chúng thể hiện “lợi ích, giá trị và hy vọng của tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, từ mọi khu vực, mọi nơi trên thế giới”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.