Mỹ ''bật đèn xanh'' cho các dự án hạt nhân tại Saudi Arabia

Mỹ đã cho phép một số công ty tham gia sáu dự án hạt nhân tại Saudi Arabia bất chấp những lo ngại rằng quốc gia này có thể theo đuổi tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Mỹ ''bật đèn xanh'' cho các dự án hạt nhân tại Saudi Arabia ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong cuộc gặp tại Washington tháng 3/2018. (Nguồn: Reuters)

Mỹ đã cho phép một số công ty tham gia sáu dự án hạt nhân tại Saudi Arabia bất chấp những lo ngại rằng quốc gia này có thể theo đuổi tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trong phiên điều trần ngày 28/3 tại Thượng viện, Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thông qua sáu dự án thực hiện những công việc đầu tiên liên quan đến lĩnh vực hạt nhân tại Saudi Arabia và Jordan.

Ông Perry cho biết Bộ Năng lượng đã phê duyệt 37 trong số 65 đơn bộ này nhận được liên quan đến các hoạt động hạt nhân trên phạm vi toàn cầu kể từ năm 2017.

Theo Bộ trưởng Perry, Mỹ cam kết đảm bảo Saudi Arabi không tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

[Thượng viện Mỹ giới thiệu luật ngăn chuyển giao công nghệ hạt nhân]

Tuy nhiên, sau thông tin trên, các nghị sỹ Dân chủ đã cảnh báo rằng Nhà Trắng đang gấp rút bí mật thông qua các dự án năng lượng hạt nhân dân sự tại Saudi Arabia, mặc dù nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này chưa ký Hiệp định 123 với Mỹ, yêu cầu mỗi quốc gia phải đảm bảo sẽ sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Theo quy định, các công ty Mỹ không được phép chuyển giao nguyên liệu hạt nhân một cách hợp pháp cho các nước chưa ký Hiệp định 123. Điều 123 trong Luật Năng lượng hạt nhân của Mỹ yêu cầu thiết lập một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nguyên tử giữa Mỹ và các nước, coi đây là điều kiện tiên quyết cho mối quan hệ hợp tác này và gọi tắt là Hiệp định 123.

Giới phân tích cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục theo đuổi mối quan hệ gần gũi với Saudi Arabia xuất phát từ những lợi ích và cơ hội làm ăn của giới doanh nghiệp Mỹ, bất chấp việc vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi.

Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi mất tích từ ngày 2/10/2018 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 20/10/2018, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo trên đang ở đâu.

Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ 21 người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Saudi Arabia và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Ngày 3/1 vừa qua, Saudi Arabia đã mở phiên tòa đầu tiên xét xử 11 nghi can trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Trong phiên tòa diễn ra tại thủ đô Riyadh, cơ quan công tố đề nghị án tử hình đối với năm trong số 11 bị cáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.