Mỹ bắt nghi phạm bắn bị thương 2 cảnh sát tại Ferguson

Nghi phạm được xác định là Jeffrey L. Williams, 20 tuổi, bị bắt giữ ngày 15/3, đã thừa nhận bắn nhiều phát súng làm bị thương hai cảnh sát hôm 10/3.
Người biểu tình bên ngoài Sở cảnh sát Ferguson ngày 12/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một thanh niên người Mỹ gốc Phi đã bị cáo buộc tội danh nghiêm trọng, gồm "hành hung cấp độ 1 và vi phạm quy định sử dụng súng," khi bắn bị thương hai cảnh sát tại một cuộc biểu tình phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc ở thành phố Ferguson, bang Missouri, Mỹ, hồi tuần trước.

Nghi phạm được xác định là Jeffrey L. Williams, 20 tuổi, bị bắt giữ ngày 15/3, đã thừa nhận bắn nhiều phát súng làm bị thương hai cảnh sát hôm 10/3. Tuy nhiên, hiện chưa rõ đối tượng này có cố ý bắn vào cảnh sát hay không.

Williams khai rằng anh ta chủ ý bắn vào một người chưa rõ danh tính có ý định cướp tài sản của anh này, chứ không nhằm vào nhân viên cảnh sát.

Williams bị bắt giữ sau một cuộc truy tìm quy mô lớn có sự trợ giúp của người dân sau khi cảnh sát treo thưởng 10.000 USD cho người cung cấp thông tin về đối tượng thực hiện vụ việc trên. Cảnh sát đã phát hiện thấy khẩu súng tại nhà của Williams và nó phù hợp với vỏ đạn tìm thấy tại hiện trường.

Ủy viên công tố hạt St. Louis Robert McCulloch cho biết mặc dù Williams có lẽ là đối tượng duy nhất thực hiện hành vi này, một số người khác có thể bị buộc tội khi cảnh sát tiếp tục cuộc điều tra.

Vụ việc xảy ra vào sáng sớm 10/3 trong một cuộc biểu tình bên ngoài Sở cảnh sát Ferguson, chỉ vài giờ sau khi cảnh sát trưởng Ferguson thông báo từ chức.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy có hiện tượng phân biệt chủng tộc trong chính quyền và lực lượng cảnh sát gồm phần lớn người da trắng tại thành phố Ferguson với 2/3 người dân là người da đen.

Theo báo cáo của bộ này, cảnh sát tại Ferguson chủ yếu bắt giữ và ghi giấy phạt giao thông đối với người da đen để tăng ngân sách cho thành phố. Điều này gây ra việc thiếu lòng tin của cộng đồng người da màu đối với lực lượng cảnh sát.

Căng thẳng lên tới đỉnh điểm sau vụ cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết thiếu niên da đen Michael Brown vào tháng 8/2014 mặc dù người này không mang vũ khí.

Cái chết của Brown đã làm dấy lên làn sóng biểu tình trên nhiều thành phố lớn của Mỹ. Tuy nhiên, một bồi thẩm đoàn của bang Missouri hồi tháng 11/2014 đã kết luận rằng viên cảnh sát không có tội trong cái chết của Brown.

Quyết định này của tòa án một lần nữa châm ngòi cho các cuộc biểu tình trong cộng đồng người da màu ở Ferguson và trên khắp nước Mỹ.

Tình trạng căng thẳng gia tăng đến mức Tổng thống Barack Obama phải lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh và tôn trọng pháp luật, đồng thời đề xuất cần có những thay đổi sâu sắc để chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc và xói mòn niềm tin giữa cảnh sát da trắng và người da màu ở Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục