Mỹ và Tây Ban Nha ngày 17/6 đã ký thỏa thuận cho phép Washington bố trí thường trực 2.200 lính thủy đánh bộ tại quốc gia Nam Âu này.
Đây là lực lượng có thể nhanh chóng triển khai để đối phó với các cuộc khủng hoảng tại châu Phi.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Tây Ban Nha Ignacio Ibanez đã ký thỏa thuận trên - văn kiện điều chỉnh một thỏa thuận đối tác quốc phòng đã được hai nước ký vào năm 1988.
Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ bố trí “Lực lượng Đặc nhiệm Không quân-Lục quân Thủy quân lục chiến Mục đích đặc biệt” tại căn cứ Moron de la Frontera, miền Nam Tây Ban Nha, với nhiệm vụ bảo vệ các đại sứ quán Mỹ ở châu Phi, sơ tán công dân trong tình huống khẩn cấp hoặc can thiệp vào các cuộc xung đột hay khủng hoảng nhân đạo.
Lực lượng này sẽ trực thuộc Bộ Chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ (AFRICOM) có tổng hành dinh ở Stuttgart, Đức.
Phát biểu sau lễ ký, ông Blinken tuyên bố Washington “rất cảm kích những người bạn và đồng minh Tây Ban Nha về thỏa thuận trên,” đồng thời khẳng định động thái này cho thấy quan hệ đối tác giữa hai nước “ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.”
Về phần mình, Thứ trưởng Ibanez cũng đánh giá “đây là một thỏa thuận vô cùng quan trọng.”
Hồi tháng trước, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria cho biết bên cạnh 2.200 lính thủy đánh bộ, Mỹ cũng sẽ triển khai 500 nhân viên dân sự và 26 máy bay tại căn cứ Moron de la Frontera. Hiện Mỹ đã có khoảng 800 binh sỹ ở căn cứ này.
Đây là lực lượng được triển khai tạm thời sau khi xảy ra vụ tấn công chết người nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi, miền Đông Libya, hồi năm 2012 khiến Đại sứ Mỹ Chris Stevens và ba nhân viên ngoại giao khác thiệt mạng./.