Mỹ cam kết đẩy mạnh hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương

Tiếp đón các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định cam kết đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và an toàn.
Mỹ cam kết đẩy mạnh hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 25/9 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón các nhà lãnh đạo 18 quốc đảo Thái Bình Dương tại Nhà Trắng nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Diễn đàn Các Quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) lần thứ hai.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương, Tổng thống Biden khẳng định cam kết đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và an toàn. Mỹ cam kết hợp tác với tất cả các quốc gia tham dự Hội nghị để đạt được mục tiêu đó.

Ông Biden cũng thông báo đang làm việc với Quốc hội Mỹ để cung cấp thêm 200 triệu USD cho các dự án trong khu vực nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống đánh bắt trái phép và cải thiện y tế công, trong đó có 40 triệu USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đảo quốc.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa nhấn chìm nhiều quốc gia vùng trũng ở khu vực, Tổng thống Biden kêu gọi hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về phần mình, Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown, Chủ tịch PIF, tin rằng Hội nghị lần này là cơ hội để các bên cùng thúc đẩy quan hệ đối tác vì thịnh vượng trong khu vực.

[Mỹ cam kết viện trợ 810 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương]

Ông Brown cũng kêu gọi Washington tham gia cấp cao nhất tại Hội nghị Các Nhà Lãnh đạo PIF lần thứ 52 mà nước này sẽ chủ trì trong vài tuần tới để thông qua Chiến lược 2050 của các nước thành viên Diễn đàn.

Trước sự kiện ở Nhà Trắng, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ công nhận quan hệ ngoại giao với hai quốc đảo Thái Bình Dương là Quần đảo Cook và Niue.

Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown hoan nghênh đây là những cột mốc mới mở ra kỷ nguyên với nhiều thay đổi. Quần đảo Cook và Nieu gộp chung có tổng dân số hơn 20.000 người nhưng tạo nên một dải kinh tế trải dài ở Nam Thái Bình Dương.

Trước khi đến Nhà Trắng dự hội nghị, các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương đã tới thăm Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ ở Cảng Baltimore, trao đổi về vấn đề đánh bắt trái phép.

Dự kiến, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry sẽ có các cuộc gặp làm việc với các nhà lãnh đạo khu vực.

Hội nghị Thượng đỉnh lần hai này là bước tiếp theo trong chiến lược tăng cường hiện diện của Mỹ tại chuỗi đảo Nam Thái Bình Dương. Trong vòng một năm qua, Mỹ đã mở Đại sứ quán tại Quần đảo Solomon và Tonga, đồng thời có kế hoạch mở Đại sứ quán tại Vanuatu vào đầu năm tới.

Ngoại trưởng Antony Blinkeb đã đến Fiji hồi tháng 2/2022 trong chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ sau 36 năm. Trong khi đó, ông Biden từng lên kế hoạch trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm một quốc đảo Thái Bình Dương, nhưng đã buộc phải hủy chuyến đi tới Papua New Guinea hồi tháng Năm vừa qua vì cuộc khủng hoảng trần nợ liên bang.

Năm ngoái, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ đầu tư hơn 810 triệu USD cho các chương trình mở rộng nhằm hỗ trợ các đảo ở Thái Bình Dương.

Kết thúc sự kiện tại Nhà Trắng, các bên nhất trí tổ chức hội nghị tiếp theo vào năm 2025 và sau đó tổ chức định kỳ hai năm một lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.