Washington cam kết theo đuổi kênh ngoại giao trong giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran vì đây là nền tảng của một giải pháp khả thi. Đây là thông điệp của Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra trong bài phát biểu nhân dịp năm mới Nowruz của người dân Iran.
Trong bài phát biểu ngày 20/3, Tổng thống Obama tuyên bố Iran vẫn còn cơ hội đạt được thỏa thuận hạt nhân nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này có những bước đi ý nghĩa và đáng tin cậy chứng minh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình là nhằm mục đích hòa bình.
Ông chủ Nhà Trắng đã kêu gọi "toàn bộ" chính quyền ở Tehran hãy nắm bắt cuộc đàm phán hạt nhân với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) nhằm chấm dứt sự cô lập kinh tế.
Theo ông, tình hình kinh tế khó khăn của Iran trong những năm gần đây một phần là do sự lựa chọn của ban lãnh đạo nước này. Vì thế, việc Iran tuân thủ các cam kết quốc tế sẽ mở ra con đường đối thoại và tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau để cùng hợp tác và khi đó phương Tây sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Những phát biểu trên của Tổng thống Mỹ được đưa ra một ngày sau khi các quan chức Iran và Nhóm P5+1 khép lại vòng đàm phán hạt nhân mới tại thủ đô Vienna của Áo và cho biết sẽ tiếp tục vòng đàm phán thứ 3 cấp quan chức cấp cao vào tháng sau cũng tại đây.
Đánh giá về sự kiện vừa kết thúc, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng có “những dấu hiệu" có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân lâu dài, và hai bên có kế hoạch bắt đầu xúc tiến dự thảo văn bản thỏa thuận tại cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong tháng Ordibehesht theo lịch Iran (từ ngày 21/4-21/5), thúc đẩy hoàn tất trước thời hạn chót ngày 20/7 tới.
Ngoại trưởng Iran và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cho biết vòng đàm phán đã diễn ra “thực chất và hữu ích,” trong đó đề cập những vấn đề chủ chốt, bao gồm vấn đề làm giàu urani, lò phản ứng nước nặng Arak của Iran, hợp tác hạt nhân dân sự và việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Hiện phương Tây vẫn giữ lập trường Iran phải giảm đáng kể quy mô các chương trình hạt nhân nhằm đảm bảo hoạt động hạt nhân chỉ phục vụ mục đích hòa bình, đồng thời nghi ngờ hoạt động làm giàu urani tại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak.
Trong khi đó, Iran khẳng định chương trình hạt nhân mà nước này theo đuổi hoàn toàn vì mục đích dân sự và muốn phương Tây bãi bỏ các lệnh trừng phạt tài chính, kinh tế đã áp đặt lên nước này./.