Chính phủ Mỹ ngày 5/12 thông báo sẽ từ chối cấp thị thực cho những người định cư Israel tham gia các vụ tấn công người Palestine ở khu Bờ Tây.
Các vụ tấn công của những người định cư Do Thái cực đoan nhằm vào người Palestine ở Bờ Tây đã gia tăng trong thời gian qua, kể từ khi xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát ngày 7/10. Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về bạo lực gia tăng ở Bờ Tây và kêu gọi chấm dứt tình trạng này.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dẫn lời Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh những vụ tấn công này là "không thể chấp nhận được.”
Ông Blinken khẳng định: "Sự bất ổn ở Bờ Tây vừa gây tổn hại cả người Israel và người Palestine, vừa đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Israel."
Ông Blinken nêu rõ Mỹ sẽ từ chối cho nhập cảnh đối với bất kỳ cá nhân nào liên quan đến các hành vi “phá hoại hòa bình, an ninh hoặc ổn định ở Bờ Tây” hoặc những người có các hành động “hạn chế quá mức khả năng tiếp cận của dân thường đối với các dịch vụ thiết yếu và nhu cầu cơ bản.”
Hạn chế nhập cảnh không áp dụng đối với những người định cư là công dân Mỹ.
Xung đột Hamas-Israel: Ngày căng thẳng nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch trên bộ
Tư lệnh miền Nam của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Yaron Finkelman khẳng định quân đội nước này "đang trong ngày căng thẳng nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch trên bộ."
Giao tranh giữa Israel và Hamas đã tái diễn ngày 1/12 vừa qua sau khi đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần do Qatar, Mỹ và Ai Cập làm trung gian.
Cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết kể từ khi nổ ra xung đột ngày 7/10 vừa qua, hơn 16.200 người Palestine tại vùng lãnh thổ này đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel, trong đó có tới 70% là phụ nữ và trẻ em.
Trong khi đó, giới chức Israel cho biết khoảng 1.200 người tại Israel thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.
Ngày 5/12, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power đã tới thị trấn El-Arish của Ai Cập (cửa ngõ vào cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza) và công bố gói hỗ trợ mới cho Dải Gaza.
Theo bà Power, khoản viện trợ mới trị giá 21 triệu USD của Mỹ sẽ bao gồm cung cấp các vật tư vệ sinh, chỗ trú và thực phẩm cho người dân tại Dải Gaza - nơi đang vô cùng khan hiếm nước và các nhu yếu phẩm khác.
USAID nêu rõ khoản hỗ trợ này nằm ngoài khoản viện trợ 100 triệu USD được Tổng thống Joe Biden công bố ngày 18/10 vừa qua.
Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đã chuyển tới Dải Gaza 16,3 tấn hàng hỗ trợ khẩn cấp đã được công bố trước đó, bao gồm vật tư y tế, quần áo mùa Đông và thực phẩm.
Phát biểu với báo giới, bà Power cho biết: “Trong thời gian tạm dừng chiến sự tuần trước, chúng tôi đã chứng kiến những tiến bộ quan trọng và đáng mong đợi trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Dải Gaza. Mỹ hiện đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để thúc đẩy tiến trình đó.”
Bà cũng cho biết đã trao đổi với giới chức Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Ai Cập và các quan chức Liên hợp quốc về cách thức đẩy nhanh tốc độ viện trợ đến Dải Gaza.
Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh trong ngày 4/12 chỉ có "100 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo và khoảng 69.000 lít nhiên liệu được chuyển đến Gaza."
Theo ông Dujarric, con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình hằng ngày 170 xe tải và 110.000 lít nhiên liệu đã được chuyển tới trong đợt cứu trợ từ ngày 24-30/11 vừa qua./.