Mỹ cảnh báo Nga, Trung Quốc về cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân

Đặc phái viên của Mỹ phụ trách đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân cho biết nước này sẵn sàng đưa Nga và Trung Quốc “vào quên lãng” nhằm giành chiến thắng trong một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Ảnh minh họa. (Nguồn:Reuters)

Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump phụ trách đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân, ông Marshall Billingslea ngày 21/5 cho biết Mỹ sẵn sàng đưa Nga và Trung Quốc “vào quên lãng” nhằm giành chiến thắng trong một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Ông Billingslea nói: “Tổng thống Trump khẳng định rõ ràng rằng chúng ta đã có hành động hiệu quả và đúng đắn. Chúng ta biết cách giành chiến thắng trong những cuộc chạy đua này và chúng ta biết cách đưa đối thủ vào quên lãng. Nếu bị ép buộc, chúng ta sẽ thực hiện, song sẽ rất muốn tránh kịch bản đó”.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này không có ý định tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán ba bên nào về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga, bất chấp việc Washington liên tục đề nghị.

[Trung Quốc không tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga]

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ đề xuất một sáng kiến kiểm soát vũ khí hạn nhân ba bên với Nga và Trung Quốc nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.

Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric bày tỏ hy vọng Mỹ và Nga có thể đạt được thỏa thuận về việc gia hạn Hiệp ước START mới, còn gọi là START-3.

Cho đến nay, Moskva khẳng định vẫn chưa nhận được tín hiệu từ phía Washington về ý định gia hạn Hiệp ước START mới. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov lưu ý rằng Washington có lẽ sẽ quyết định không gia hạn hiệp ước.

START mới được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau bảy năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm, máy bay ném bom cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai hay chưa được triển khai.

Hiệp ước bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm. Nga coi START mới là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới," song Washington nhiều lần đề cập khả năng không gia hạn hiệp ước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục