Tại sao Nga cố gắng nuôi dưỡng giấc mộng siêu cường?

Nga luôn tìm cách củng cố vị thế cường quốc khi hợp tác với các nước khác, tuy nhiên gần đây, Moskva dường như trở nên ít hợp tác hơn và theo đuổi sự độc lập, tự lực hơn về kinh tế.
Máy bay Sukhoi Su-25 của Nga thả làn khói biểu trưng cho màu sắc quốc kỳ Nga trong lễ diễu binh qua điện Kremlin và Quảng trường đỏ ở Moskva, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức, ngày 9/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay Sukhoi Su-25 của Nga thả làn khói biểu trưng cho màu sắc quốc kỳ Nga trong lễ diễu binh qua điện Kremlin và Quảng trường đỏ ở Moskva, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức, ngày 9/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng nationalinterest.org, Nga luôn tìm cách củng cố vị thế cường quốc khi họ hợp tác với các nước khác.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nước này dường như trở nên ít hợp tác hơn và theo đuổi sự độc lập, tự lực hơn về kinh tế.

Nga tìm cách duy trì vị thế cường quốc bằng cách xây dựng một pháo đài tự lực và tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Mặc dù đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) có thể củng cố bản năng tự lực, song Nga có thể mất bản năng này nếu chống lại toàn cầu hóa hoặc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, trong khi rời xa phương Tây.

Điều khó hiểu về Nga là họ kiên quyết duy trì vị thế cường quốc bằng cách nào trong khi không chú ý đến một số phương tiện cần thiết để duy trì vị thế này.

Trong hơn một thập kỷ qua, nền kinh tế Nga đã bị đình trệ, nhưng Điện Kremlin vẫn tránh thực hiện những cải cách mà có thể thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

Quốc gia này đầu tư quá ít vào chăm sóc y tế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Dòng tiền từ Nga đổ vào các nước phương Tây khá nhiều, nhưng nếu các điều kiện kinh doanh ở Nga được cải thiện thì có thể ngăn chặn được điều này.

Các cuộc phiêu lưu quân sự của Nga ở Abkhazia, Nam Ossetia, Moldova, Syria và Ukraine đều gây nhiều hao tổn cho nền kinh tế. Giá dầu giảm mạnh gần đây và đại dịch COVID-19 có thể khiến nước Nga suy yếu hơn.

Bất chấp những tai ương này, Nga rõ ràng vẫn là một cường quốc. Nước Nga rộng lớn kết nối với 2 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Nga là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới và sản xuất 1/3 sản lượng dầu mỏ toàn cầu. Nga là một siêu cường vũ khí hạt nhân và có lực lượng lao động có học thức.

Nga luôn tìm cách củng cố vị thế cường quốc khi họ hợp tác với các nước khác. Nga đã giúp đàm phán thỏa thuận năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.

Năm 2013, Nga và Mỹ đã hợp tác để loại bỏ một số vũ khí hóa học ở Syria. Nga đã mở rộng các mối quan hệ ở Trung Đông.

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hiệu quả cho châu Âu. Đôi khi, Moskva hợp tác với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là một lực lượng an ninh ở Darfur, mặc dù vào những thời điểm khác thì không.

Ví dụ, Nga không hợp tác về việc tiếp cận nhân đạo ở Syria. Nga và châu Âu có chung quan điểm thúc giục chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn Hiệp ước START mới giữa Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nga đã trở nên ít hợp tác hơn và theo đuổi chính sách tự lực nhiều hơn.

Việc Nga can dự vào Ukraine đã khiến phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Moskva, có thể khiến Nga phải trả giá bằng 6% GDP.

Việc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở các nền dân chủ phương Tây và hỗ trợ cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thúc đẩy nhiều lệnh trừng phạt hơn nữa.

Với việc cấm một số tổ chức phương Tây “không được hoan nghênh” hoạt động ở Nga và ngừng trao đổi giáo dục với Mỹ, Điện Kremlin đang làm giảm nhận thức toàn cầu của người Nga.

[Đại dịch COVID-19 làm thay đổi quan hệ Trung-Mỹ-Nga]

Các vụ bê bối dùng chất kích thích trong giới thể thao đã loại nhiều vận động viên Olympic Nga khỏi các cuộc thi đấu.

Tự lực quá nhiều có thể khiến Nga bị bỏ lại phía sau. Thoạt nhìn, xu hướng tự lực cánh sinh có vẻ phù hợp với thời đại.

Ngoài cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây nhiều thiệt hại, các quốc gia trên thế giới đã áp đặt hơn 18.000 biện pháp hạn chế thương mại kể từ năm 2009, so với 7.000 biện pháp tự do hóa.

Đại dịch có thể làm gia tăng căng thẳng toàn cầu. Một số chuỗi cung ứng phương Tây có thể di dời về gần các quốc gia châu Âu hơn.

Ủy ban châu Âu đang kêu gọi các nước thành viên tham gia sở hữu các công ty châu Âu để ngăn chặn sự tiếp quản của Trung Quốc.

Tuy nhiên, được hỗ trợ bởi sự hiệu quả, toàn cầu hóa đang tiến lên. Thương mại hàng hóa đạt kỷ lục danh nghĩa của mọi thời đại vào năm 2018, cao hơn 1/5 so với một thập kỷ trước, mặc dù thương mại đã giảm 3% trong năm 2019.

Năm 2018, xuất khẩu dịch vụ thương mại đạt mức kỷ lục, tăng gần một nửa so với năm 2008.

Một dấu hiệu khác của toàn cầu hóa là đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang bùng nổ. Vốn đầu tư tích lũy trên toàn thế giới năm 2018 đã vượt quá 32.000 tỷ USD trong năm 2018, mức cao thứ hai trong lịch sử và cao gấp đôi so với năm 2008.

Bất chấp tất cả những bất bình đẳng của nó, toàn cầu hóa giúp thu nhập trung bình tăng, năng suất cao hơn và nhu cầu về công nghệ mới tăng lên.

Nga công nhận giá trị của thương mại toàn cầu. Ngoài việc xuất khẩu dầu khí, Nga cũng là nước xuất khẩu lúa mì số một thế giới và là nhà xuất khẩu chính các sản phẩm như kim loại, máy móc, gỗ và phân bón.

Tuy nhiên, với việc giá dầu giảm, khả năng xảy ra suy thoái do đại dịch và chính sách thay thế nhập khẩu có thể làm suy yếu nền kinh tế Nga. Việc tiếp tục đặt cược vào chống toàn cầu hóa có thể làm gia tăng những áp lực suy thoái này.

Nga đã tăng cường khả năng phục hồi tài chính bằng cách tích lũy hơn nửa nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối. Sau thời kỳ đại dịch và giá dầu giảm, Nga có thể tăng cường khả năng phục hồi bằng cách giảm sự phụ thuộc quá mức vào một hoặc một số quốc gia, như Trung Quốc, hoặc các ngành công nghiệp như dầu mỏ và khí đốt.

Nga đã nâng cấp quan hệ với Trung Quốc lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho một kỷ nguyên mới.”

Quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc mang lại một số lợi ích. Tuy nhiên đối với Nga, Mỹ và châu Âu là những thị trường thịnh vượng hơn, đổi mới hơn và nhập khẩu nhiều hơn là Trung Quốc.

Phương Tây quan tâm đến sự hợp tác của Nga để giải quyết các thách thức toàn cầu, từ các nguy cơ hạt nhân đến biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng.

Điều này có nhiều khả năng diễn ra nếu Nga toàn cầu hóa và trở nên thịnh vượng hơn.

Phương Tây có rất ít ảnh hưởng đến các lựa chọn mà Nga đưa ra nhưng rất quan tâm đến hướng đi trong tương lai của nước Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.