Mỹ cấp phép cho dược phẩm đầu tiên sử dụng công nghệ in 3D

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ đã cấp phép cho loại thuốc đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ in 3D đầu tiên dùng trong điều trị bệnh động kinh.
Dược phẩm mang tên Spritam là thuốc ở dạng viên dùng để điều trị co giật cho bệnh nhân động kinh. (Nguồn: forbes)

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) ngày 4/8 cho biết đã cấp phép cho loại thuốc đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ in 3D dùng trong điều trị bệnh động kinh.

Công ty dược Aprecia đặt trụ sở tại bang Ohio cho biết hệ thống in của hãng cho phép sản xuất các viên thuốc có hàm lượng lên tới 1.000 mg/viên.

Dược phẩm mang tên Spritam là thuốc ở dạng viên dùng để điều trị co giật cho bệnh nhân động kinh.

Thông qua quy trình in 3D, các viên thuốc được tạo ra dưới dạng xốp, có thể tan dễ dàng trong một lượng nhỏ chất lỏng, khiến việc sử dụng thuốc thuận tiện hơn cho trẻ em cũng như người mắc chứng khó nuốt.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn FDA Sandy Walsh cho biết Spritam là loại thuốc đầu tiên sản xuất bằng công nghệ in 3D được cơ quan trên thông qua. Spritam, hay còn gọi là Levetiracetam, đã lưu hành trên thị trường nhiều năm qua dưới nhiều dạng khác nhau.

Trước đó, FDA cũng đã "bật đèn xanh" cho một số sản phẩm y tế khác sản xuất bằng in 3D như các bộ phận nhân tạo thay thế trong cơ thể người.

Theo kế hoạch, Aprecia sẽ bắt đầu phân phối loại thuốc trên trong quý 1 năm sau. Công ty cũng cho biết trong tương lai sẽ tiếp tục vận dụng công nghệ tiên tiến này để phát triển nhiều loại dược phẩm khác.

Công nghệ in 3D được phát minh vào những năm 80 của thế kỷ trước, sử dụng các tia laser để tạo các vật thể bằng kim loại hoặc chất dẻo theo thiết kế số hóa. Điểm ưu việt của công nghệ này là tạo mẫu và tùy chỉnh thiết bị nhanh với chi phí thấp.

Trong những năm gần đây, công nghệ ngày càng phát triển mạnh và các công ty đã có thể sử dụng chúng để tạo hình những vật thể phức tạp từ kim loại, như titan hay nhôm.

Hiện ngành y đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến này để chế tạo các bộ phận cấy ghép phức tạp cho các bệnh nhân mắc chứng bệnh hiếm hay gặp các chấn thương đặc chủng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục