Suýt mất mạng vì dị ứng với thuốc điều trị động kinh

Suýt mất mạng vì dị ứng với thuốc điều trị bệnh động kinh

Một cô gái người Australia đã suýt tử vong trong ngày sinh nhật của chính mình do bị phản ứng hiếm gặp với thuốc điều trị động kinh.
Suýt mất mạng vì dị ứng với thuốc điều trị bệnh động kinh ảnh 1Danika Heron trước khi phản ứng hiếm gặp với thuốc điều trị động kinh. (Nguồn: DM)

Một cô gái người Australia đã suýt tử vong trong ngày sinh nhật của chính mình do bị phản ứng hiếm gặp với thuốc điều trị động kinh. Da của cô bị bỏng từ trong ra ngoài do loại thuốc điều trị động kinh cô mới được kê đơn gây ra.

Danika Heron bị mắc Hội chứng Stevens Johnson (SJS) và Hội chứng Hoại tử thượng bì nhiễm độc (TENS), khiến da và nội tạng bị bỏng, rộp, đóng vảy và rời ra. Môi của cô cũng bị sưng phồng lên và vỡ ra, và cô phải quấn băng khắp cơ thể từ đầu đến chân.

Cô Heron được chẩn đoán mắc bệnh động kinh khi 18 tuổi. Trước sinh nhật lần thứ 19, cô đã được kê hai loại thuốc điều trị động kinh là Lamictal và Keppra, có tác dụng kiểm soát các cơn co giật. Tuy nhiên, trong ngày sinh nhật của mình, môi và mắt của cô Heron bỗng sưng lên. Ngực cô phát một nốt ban nhỏ rồi nhanh chóng lan khắp cơ thể. Cô được đưa tới một bệnh viện ở Sydney, nơi các bác sỹ ban đầu đã chẩn đoán nhầm là cô nhiễm virus Herpes và cho cô về nhà.

Bốn ngày sau, các triệu chứng của Heron ngày càng nặng và mẹ cô, bà Carmen Heron đã đưa cô tới một bệnh viện khác ở New South Wales. Tại đây cô được chẩn đoán bị bệnh tay-chân-miệng và thủy đậu, trước khi các xét nghiệm cho thấy cô đã mắc hai hội chứng SJS và TENS. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị mù, tổn thương phổi, thậm chí tử vong.

Mặc dù rất hiếm gặp, nhưng SJS và TENS đã được báo cáo là những phản ứng phụ với thuốc Lamictal và Keppra, hai loại thuốc điều trị động kinh mà cô Heron đang sử dụng. Bà Carmen Heron cho biết tình trạng của con gái mình nghiêm trọng đến nỗi bà đã nghĩ cô không thể sống sót qua một đêm.

"Tôi chi biết khóc khi nhìn thấy con gái. Những vết phát ban phủ khắp cơ thể nó, môi nó sưng lên, và mắt chảy nước. Qua vài ngày, tình trạng trở nên xấu hơn. Con gái tôi không thể thở, và cổ nó sưng đến nỗi nó không thể uống được cái gì."

Cô Heron đã phải nằm trong viện gần một tháng với toàn thân phồng rộp, không thể mở miệng, và lớp biểu bì bên ngoài da mặt, ngực, lưng và cánh tay rời ra. Phản ứng thuốc khiến cô bị bỏng từ trong ra ngoài, và nôn ra máu. Cô thở rất khó khăn và phải ăn qua ống thông.

Bà Carmen Heron cho biết: "Các bác sỹ nói với tôi là có 1/1 triệu người mắc hội chứng SJS. Hội chứng TENS còn hiếm gặp hơn, và cứ ba người mắc thì có một người tử vong, và tỷ lệ bệnh tái phát là khoảng 40%."

Suýt mất mạng vì dị ứng với thuốc điều trị bệnh động kinh ảnh 2Danika Heron sau khi phát bệnh. Da và nội tạng của cô bị bỏng từ trong ra ngoài. (Nguồn: DM)

Những người mắc hội chứng SJS và TENS được điều trị như các bệnh nhân bị bỏng. Họ được cho dùng thuốc giảm đau và truyền dịch. Hiện không có thuốc chữa cho hội chứng SJS hay TENS. Một khi bệnh khởi phát, không có cách nào ngừng lại. Cô Heron không còn cách nào khác là phải chiến đấu vì sự sống của mình, và cô đã thành công. Cô cho biết cô không nhớ gì nhiều hầu hết khoảng thời gian trong viện, nhưng cô thấy biết ơn vì mình đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo.

"Tôi không nhớ gì nhiều trong tuần đầu tiên. Tôi chỉ nhớ mình rất đau, giống như bị lửa thiêu. Tôi sợ đến nỗi không nhận ra được tình hình của mình tệ đến mức nào cho tới khi xem ảnh chụp," Heron chia sẻ.

"Sau khi ra viện, tóc tôi bắt đầu rụng dần, cũng như móng tay và móng chân. Mắt tôi khô đi, và đôi khi tôi thấy khó nuốt thức ăn. Da của tôi vẫn chưa được ổn lắm, nhưng tôi hy vọng chúng sẽ lành theo thời gian."

Nói về hai hội chứng mình mắc phải, cô Heron cho rằng: 'Tôi nghĩ cần có thêm nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức của mọi người với SJS và TENS, cũng như cần thêm nhiều nghiên cứu về hai hội chứng này. Các bác sỹ tại bệnh viện cũng cần được huấn luyện nhiều hơn vì hai hội chứng rất hiếm gặp, do đó khó chẩn đoán được chính xác. Tôi cũng nghĩ là nên ghi rõ các phản ứng phụ của thuốc điều trị để bệnh nhân biết, và tôi hy vọng sẽ không có ai rơi vào hoàn cảnh như tôi."/.

Suýt mất mạng vì dị ứng với thuốc điều trị bệnh động kinh ảnh 3Heron không thể mở miệng, và lớp biểu bì bên ngoài da mặt, ngực, lưng và cánh tay rời ra. (Nguồn: DM)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục