Mỹ, châu Âu vẫn tiếp tục là điểm nóng trong cuộc chiến chống COVID-19

Mỹ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm virus và ca tử vong cao nhất thế giới. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm mới tại các nước có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng ở châu Âu vẫn tăng gần con số 20.000 ca.
Mỹ, châu Âu vẫn tiếp tục là điểm nóng trong cuộc chiến chống COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 6/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 00 sáng 22/4 (theo giờ Việt Nam), đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lây lan tại tổng cộng 210 nước và vùng lãnh thổ toàn thế giới, khiến 2.555.754 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 177.459 người đã tử vong.

Hiện số người bình phục và xuất viện ở mức 690.224 người, trong khi số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch là 57.254 trường hợp.

Châu Mỹ: Mỹ vẫn là điểm nóng

Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm virus và ca tử vong cao nhất thế giới, dừng ở con số tương ứng 817.952 ca và 45.279 ca.

Riêng trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận 25.193 ca nhiễm mới và thêm 2.765 ca tử vong.

Trong khi đó, sau đúng 1 tháng thực hiện lệnh cách ly bắt buộc trên phạm vi toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, chính phủ Argentina dự kiến tiếp tục kéo dài biện pháp này thêm một thời gian nữa, song sẽ xem xét điều chỉnh quy mô và phạm vi nhằm nối lại một phần hoạt động kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Buenos Aires, phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Argentina Gines Gonzalez cho biết những đánh giá đầu tiên cho thấy việc thực hiện lệnh cách ly bắt buộc thời gian qua đã đem lại kết quả tích cực. Argentina đã khoanh vùng và giữ được số ca mắc mới trong vòng kiểm soát, trong khi số trường hợp tử vong những tuần gần đây đã giảm mạnh.

Mỹ, châu Âu vẫn tiếp tục là điểm nóng trong cuộc chiến chống COVID-19 ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Buenos Aires, Argentina, ngày 10/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Còn tại nước láng giềng Brazil, ngày 21/4, cơ quan y tế nước này đã bắt đầu triển khai thử nghiệm các điểm xét nghiệm rộng rãi sàng lọc trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thủ đô Brasilia.

Năm điểm xét nghiệm nhanh đã được thiết lập ở thủ đô Brasilia và có thể thực hiện được khoảng 100.000 mẫu xét nghiệm trong thời gian từ nay cho tới cuối tuần. Ngay trong ngày đầu tiên, đã có hàng trăm người xếp hàng để được lấy mẫu xét nghiệm.

Thị trưởng Brasilia Ibaneis Rocha cho biết phương thức này được thực hiện nhanh trong 5 phút và những người tham gia không cần phải rời khỏi ôtô. Mỗi điểm xét nghiệm được cung cấp khoảng 5.000 bộ kit.

Brazil là quốc gia có số ca dương tính với SARS-CoV-2 cao nhất tại Mỹ Latinh với 43.079 trường hợp, trong đó có 2.741 người tử vong.

Châu Âu: Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất 

Cùng với Mỹ, châu Âu vẫn là "điểm nóng" của dịch COVID-19 hiện nay.

Tổng số ca nhiễm mới tại các nước có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng như Nga, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan vẫn tăng gần con số 20.000 ca.

Cụ thể, trong 24 giờ qua, Nga là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu Âu (5.642 ca). Tiếp sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ (+4.611 ca), Anh (+4.301 ca), Tây Ban Nha (+3968 ca), Italy (+2.729 ca), Pháp (+2.667 ca), Hà Lan (+ 729 ca).

Trong khi đó, Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất tại châu Âu trong 24 giờ qua, 828 ca. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh là 17.337 ca, đứng sau Italy (24.648 ca), Tây Ban Nha (21.282 ca), Pháp (20.796 ca).

Mỹ, châu Âu vẫn tiếp tục là điểm nóng trong cuộc chiến chống COVID-19 ảnh 3Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện K+31 ở Moskva, Nga ngày 20/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng số ca tử vong tại Nga đến thời điểm hiện tại là 456 ca, sau khi ghi nhận thêm 51 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Tại Pháp, các nghị sỹ dự kiến vào tuần tới sẽ bỏ phiếu về việc liệu có cho phép sử dụng ứng dụng theo dõi người lây nhiễm qua điện di động hay không, trong bối cảnh chính phủ nước này đang chuẩn bị dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa từ ngày 11/5 tới.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nêu rõ việc bỏ phiếu sẽ diễn ra sau cuộc tranh luận tại Quốc hội trong bối cảnh còn nhiều lo ngại rằng sáng kiến sử dụng ứng dụng theo dõi này sẽ vi phạm quyền riêng tư.

Đa số các nghị sỹ Pháp hiện đang ở nhà do lệnh phong tỏa, song khoảng 75 nghị sỹ trong số này được cho là sẽ xuất hiện trong cuộc tranh luận bắt đầu vào ngày 28/4 tới.

Trung Đông: Các nước ghi nhận nhiều ca nhiễm mới

Tại Trung Đông, Saudi Arabia đang là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng số ca nhiễm là 11.631 ca, trong đó có 1.147 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.147 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, các nước trong khu vực như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Ai Cập... tiếp tục ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới, trong khi số ca tử vong chỉ dừng lại ở 1 con số.

Châu Phi: Nam Phi là nước ảnh hưởng nặng nề nhất

Tại châu Phi, diễn biến tình hình dịch bệnh tuy có chậm hơn song các tổ chức y tế quốc tế đều đang đặc biệt quan ngại về dịch bệnh COVID-19 tại châu lục này, bởi một khi bùng phát mạnh, khu vực này khó có thể chống đỡ do hệ thống y tế yếu kém và thiếu mọi nguồn lực hỗ trợ tại đây.

Nam Phi hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi với 3.465 ca nhiễm và 58 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Nam Phi ghi nhận thêm 165 ca nhiễm và không có ca tử vong nào.

Châu Á: Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong 6 ngày liên tiếp

Singapore ghi nhận tổng cộng 9.125 ca nhiễm, sau khi ghi nhận 1.111 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới 11 ca.

Việt Nam đã bước qua ngày thứ 6 liên tiếp không ghi nhận các ca nhiễm mới, dừng lại con số 268 ca.

Mỹ, châu Âu vẫn tiếp tục là điểm nóng trong cuộc chiến chống COVID-19 ảnh 4Hà Nội xét nghiệm nhanh COVID-19 tại chợ Ngã Tư Sở. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 216 trường hợp được công bố khỏi bệnh. Dự kiến trong ngày 22/4 sẽ tiếp có thêm 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Trước diễn biến dịch bệnh suy giảm tại nhiều nước và cũng để giảm thiểu những tổn thất về kinh tế do tác động của các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới hiện bắt đầu hoặc xem xét nới lỏng các biện pháp hạn chế, bước vào giai đoạn mới chuẩn bị cho giao đoạn sau của đại dịch.

Tuy nhiên, các tổ chức y tế quốc tế và giới chuyên gia khuyến cáo chính phủ các nước cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế bởi đại dịch một khi tái bùng phát sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục