Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc ở Đông Nam Á hay không?

Ngoại trưởng Mỹ đã gián tiếp thách thức chiến lược đầu tư của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á bằng việc kêu gọi một chiến lược đầu tư "cởi mở và minh bạch" hơn.
Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc ở Đông Nam Á hay không? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Theo nhận định của trang mạng thediplomat mới đây, do Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi thế tại Đông Nam Á nên cạnh tranh ảnh hưởng của hai cường quốc ở khu vực này sẽ là cuộc chiến kéo dài.

Chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Malaysia, Singapore và Indonesia cho thấy sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á bước sang kỷ nguyên mới.

Đặc biệt, ông Pompeo đã gián tiếp thách thức chiến lược đầu tư của Trung Quốc tại khu vực bằng việc kêu gọi một chiến lược đầu tư "cởi mở và minh bạch" hơn.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đặt trọng tâm vào đầu tư khu vực tư nhân, trái ngược với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc vốn liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực với các dự án hạ tầng lớn.

Việc Mỹ tuyên bố sẽ đầu tư 113 triệu USD vào các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dường như là một gợi ý sẵn sàng thay thế BRI của Washington.

[Lý do Mỹ nên tìm lại "quân cờ tiềm năng" ở Đông Nam Á]

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai xác định Trung Quốc vừa là đối thủ cạnh tranh chiến lược, vừa là một mối đe dọa kinh tế, cuộc "chạy đua" giữa hai cường quốc này sẽ diễn ra gay gắt.

Do tầm quan trọng về địa-kinh tế và địa-chiến lược của khu vực, dường như Đông Nam Á sẽ trở thành "chiến trường" của hai nước này.

Điểm mấu chốt là Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc ở Đông Nam Á?

Chưa thể có câu trả lời rõ ràng bởi cả hai cường quốc này đều có lợi thế và bất lợi riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc có lợi thế về mặt kinh tế và địa lý, trong khi Mỹ có lợi thế về địa chính trị và vị thế lãnh đạo toàn cầu.

Học giả Mỹ David Shambaugh chỉ rõ rằng Mỹ vẫn là siêu cường thế giới với lợi thế đáng kể tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, "cán cân" này có thể thay đổi nếu Washington không có sự cạnh tranh hiệu quả. Lợi thế của Mỹ tại Đông Nam Á gồm nhiều yếu tố:

Thứ nhất, Mỹ có nhiều đồng minh và đối tác quan trọng trong khu vực (gồm Philippines, Singapore, Thái Lan...).

Trong bối cảnh Trung Quốc không có đồng minh chính thức nào tại Đông Nam Á và cũng chưa thể tìm được đồng minh chính thức nào trong tương lai gần tại khu vực, rõ ràng, Mỹ có lợi thế xét trên khía cạnh "đồng minh và đối tác."


[Câu chuyện ngày hôm nay về quan hệ Mỹ và ASEAN]

Thứ hai, một số nước trong khu vực vẫn giữ thái độ nghi ngờ nhất định đối với Trung Quốc vì lý do lịch sử, kinh tế hoặc chiến lược. Mặc dù được hưởng lợi từ việc kinh doanh với Trung Quốc, các nước này vẫn muốn giữ một khoảng cách an toàn với Trung Quốc.

Thứ ba, giá trị Mỹ vẫn còn phổ biến trong khu vực cho dù sức mạnh mềm của Washington đã suy giảm ở mức độ nhất định kể từ khi Tổng thống Trump với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" lên nắm quyền.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, châu Á-Thái Bình Dương vẫn hướng đến Mỹ để học hỏi phương thức quản lý hiệu quả hơn ngay cả khi chính "hình mẫu" của họ cũng đang phải đối mặt những thách thức lớn ở trong nước.

Điều thú vị là lợi thế của Trung Quốc trùng khớp với sự thiếu hụt của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, gồm sự gần gũi về kinh tế và hội nhập địa lý.

Điều này càng thể hiện rõ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay bởi nhiều nước ASEAN đang quan sát một cách cẩn trọng và quan ngại hậu quả xấu của cuộc chiến thương mại này.

So với Mỹ, Trung Quốc hiện có 3 lợi thế chính trong quan hệ với ASEAN:

Trước hết, quan hệ kinh tế Trung Quốc-ASEAN đang vững chắc và ngày càng lớn mạnh. Năm 2017, thương mại song phương giữa Trung Quốc-ASEAN đạt mức cao kỷ lục 514 tỷ USD với mức thâm hụt 43 tỷ USD nghiêng về phía ASEAN.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong khi Mỹ đứng thứ 4, điều này mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc trong quan hệ với ASEAN.

Ngoài ra, trong 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã thúc đẩy triển khai sáng kiến BRI đối với toàn bộ ASEAN, mặc dù có một số trở ngại tại Malaysia và một số nơi khác.

Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã tạo ra động lực mới để các nước thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với mục tiêu gắn kết hầu hết các nền kinh tế châu Á, tất nhiên không bao gồm Mỹ.

Trong bối cảnh đó, cam kết đầu tư 113 triệu USD của Mỹ vào khu vực giống như một "gã tí hon" so với "người khổng lồ" là các dự án lớn của Trung Quốc trên khắp ASEAN.

Thứ hai, so với Mỹ, Trung Quốc sẽ xem xét ASEAN và khu vực Đông Nam Á một cách nghiêm túc hơn. Do yếu tố địa-chiến lược, Trung Quốc phải xây dựng mối quan hệ hữu hảo và hiệu quả với Đông Nam Á nếu Bắc Kinh muốn gia tăng vị thế toàn cầu. Không khu vực nào, ngay cả Đông Bắc Á, gần gũi và quan trọng về chiến lược đối với Trung Quốc như ASEAN.

Khẩu hiệu mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là xây dựng một "cộng đồng chung vận mệnh" phải bắt đầu với Đông Nam Á và thành công (nếu có) sẽ chứng minh mô hình khả dụng toàn cầu của Trung Quốc.

Thứ ba, một cách đơn giản, Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ do ASEAN là khu vực láng giềng. Ngoài ra, quan hệ thương mại, ngoại giao nhân dân giữa Trung Quốc và ASEAN cũng đang phát triển nhanh chóng.

Tất nhiên, như đề cập ở phần đầu, kỷ nguyên của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vừa mới bắt đầu và kết quả cuối cùng của sự cạnh tranh này tại Đông Nam Á vẫn chưa được định hình do cả hai cường quốc này phải tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ.

Hơn nữa, Đông Nam Á không chỉ là chiến trường cho các siêu cường kiểm soát hoặc cạnh tranh, khu vực này có thể đóng một vai trò tích cực và hiệu quả nhằm làm tăng tính linh hoạt của chính khu vực và thậm chí cả sự cân bằng quyền lực toàn cầu. Đây là một đặc điểm mà cả Mỹ và Trung Quốc phải lưu ý nếu đều muốn xây dựng mối quan hệ bền vững với các nước thành viên ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục