Mỹ có thể điều thêm binh lính đến châu Á để tranh đua với Trung Quốc

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Chiến lược An ninh Quốc gia, Lầu Năm Góc đang tính tới việc gửi thêm các đơn vị Lính thủy đánh bộ viễn chinh (MEU) tới châu Á.
Mỹ có thể điều thêm binh lính đến châu Á để tranh đua với Trung Quốc ảnh 1Binh sỹ Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ Wall Street Journal ngày 10/2 cho biết sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó cho rằng Nga và Trung Quốc đang tìm mọi cách để thay đổi vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ, ban lãnh đạo Lầu Năm Góc đang tính tới việc gửi thêm các đơn vị Lính thủy đánh bộ viễn chinh (MEU) tới châu Á.

Việc đưa thêm các đơn vị chiến đấu tới châu Á cũng được tính đến sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis công bố Chiến lược Quốc phòng, theo đó cho rằng “sự tranh đua giữa các cường quốc," chứ không phải khủng bố, mới là điều cần quan tâm đối với an ninh quốc gia Mỹ. Trung Quốc đang ngày càng có thái độ hung hăng hơn ở khu vực Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông.

Mới đây, Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động tại Biển Hoa Đông, làm hai đồng minh quan trọng của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại.


[Nga, Trung Quốc chỉ trích Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ]

Các MEU gồm các tiểu đoàn tác chiến chủ lực, với sự hỗ trợ của một số đơn vị nhỏ hơn, được gửi theo các tàu tấn công đổ bộ như loại Wasp và America. Đây có thể coi là các “hàng không mẫu hạm mini” chở theo chiến xa, chiến đấu cơ, trực thăng, có khả năng đáp ứng nhu cầu các cuộc chiến trên đất liền, trên không và dưới biển.

Một MEU có từ 1.000-2.200 người và thường có các đợt hoạt động kéo dài khoảng bảy tháng, phần lớn là ở ngoài biển. Nhiệm vụ của một MEU là phản ứng nhanh với mọi tình huống, từ thiên tai đến đe dọa an ninh cho Mỹ hay đồng minh của Mỹ.

Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ hiện có bảy MEU, ba trong số này đồn trú ở bờ biển phía Tây nước Mỹ, ba ở phía Đông và một tại Nhật Bản. Các đơn vị MEU ở miền Tây thời gian gần đây đã được đưa sang Iraq, Afghanistan và Syria.

Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ, Tướng Robert Neller cho biết, do các MEU có khả năng cơ động nên họ sẽ tiến hành các cuộc tuần tiễu và huấn luyện chung với các quốc gia đồng minh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.