Tờ Bangkok Pót đã đăng bài phân tích của Giáo sư thỉnh giảng Brad Glosserman, Phó Giám đốc Trung tâm Chiến lược Xây dựng Quy tắc tại Đại học Tama ở Tokyo, và Tiến sỹ Thitinan Pongsudhirak phụ trách Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan về chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đối với khu vực Đông Nam Á và Thái Lan như sau:
Trong số các chính phủ ở Đông Nam Á, Chính phủ Thái Lan có thể tiếc nuối nhất về việc ông Donald Trump rời Nhà Trắng.
Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã được hưởng lợi từ việc chính quyền Tổng thống Trump không chú trọng tới nhân quyền và dân chủ để chuyển sang những lợi ích địa chiến lược.
Một thay đổi trọng tâm dưới thời chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ khiến liên minh hiệp ước Thái-Mỹ ảnh hưởng đến chính trị nội địa Thái Lan.
Phe ủng hộ dân chủ trong sự chia rẽ chính trị ở Thái Lan, vốn do các thế hệ trẻ hơn dưới 40 tuổi lãnh đạo, sẽ tìm kiếm sự đoàn kết và hỗ trợ quốc tế, trong khi chế độ bảo hoàng-quân đội sẽ cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình ở trong nước và giữ khoảng cách với những tiếng nói dân chủ từ nước ngoài ở nước ngoài.
[Mỹ khẳng định cam kết lâu dài với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á]
Do đó, quan hệ Thái-Mỹ có thể sẽ gặp nhiều va chạm hơn dưới thời ông Biden so với chuyến đi khá suôn sẻ mà ông Trump dành cho chính quyền quân sự Thái Lan.
Một dấu hiệu ban đầu của xu hướng này là nghị quyết không ràng buộc của Thượng viện Mỹ gần đây của các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ ủng hộ phong trào dân chủ Thái Lan. Không có sự ủng hộ công khai nào như vậy dưới thời ông Trump.
Trong khi ông Trump là người thô bạo, gắt gỏng và coi thường các chuẩn mực khu vực, phần lớn khu vực đã chấp thuận các chính sách của ông. Ông là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên công nhận và hành động về sự phá vỡ trật tự quốc tế tự do thời hậu chiến.
Chính quyền của ông hiểu rằng Trung Quốc đặt ra một thách thức cơ bản đối với hiện trạng khu vực và đẩy lùi những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho mình.
Các cuộc Tuần tra Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOPS) đã làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc, và việc điều động tàu chiến thường xuyên khiến các nhà hoạch định chiến lược ở Bắc Kinh lúng túng.
Đặc biệt có giá trị là các cuộc diễn tập quân sự với các đối tác và đồng minh trong khu vực nhằm xây dựng năng lực và các mối quan hệ.
Cuộc chiến thương mại và công nghệ của ông Trump bao gồm một cuộc "chia tách" mà đã thúc đẩy các công ty định hướng lại các chuỗi cung ứng qua Đông Nam Á.
Các chính phủ trong khu vực đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội đó, đưa ra những biện pháp khuyến khích để thu hút đầu tư mới.
Những người chuyên quyền trong khu vực vui mừng khi chính quyền Tổng thống Trump tập trung vào hành vi sai trái của Trung Quốc hơn là hành vi của họ.
Trong trường hợp của Thái Lan, ông Trump đã tiếp đón Đại tướng Prayut, người từng lật đổ một chính phủ được bầu một cách dân chủ vào năm 2014, tại Nhà Trắng vào tháng 10/2017.
Các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung đã có đánh giá tích cực về chính quyền Trump.
Trong khi "nhảy dựng lên" khi được yêu cầu lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, các quốc gia ASEAN nhận ra rằng sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh đã tạo chỗ cho thao diễn ngoại giao.
Cả hai đều không sẵn sàng chống lại một bên ủng hộ tiềm năng hoặc đẩy một chính phủ vào phía đối lập.
Tầm quan trọng của khu vực được củng cố bởi khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP) mà đã định hướng cho chính quyền Tổng thống Trump.
Người ta chỉ cần nhìn vào bản đồ để nắm được vị trí trung tâm của khu vực đối với chiến lược của Mỹ.
Nếu Đông Nam Á quan trọng đối với chính sách của Mỹ, thì Thái Lan - quốc gia lớn nhất và đồng minh duy nhất của Mỹ ở Đông Nam Á lục địa - còn có ý nghĩa quan trọng hơn.
Nhìn chung, người Thái hiểu rằng quan hệ của Mỹ với Đông Nam Á nói chung và Thái Lan nói riêng sẽ trải qua sự thay đổi về chất trong quan điểm và định hướng dưới thời ông Biden.
Nhưng họ cũng muốn chính sách FOIP, hoặc một cái gì đó tương tự, để tồn tại trong chính quyền ông Trump.
Chính sách "Tái cân bằng" của chính quyền Barack Obama trước đó đối với châu Á cũng sử dụng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương làm khung địa lý, nhưng Thái Lan và Đông Nam Á nhìn chung phân biệt chính sách này với FOIP theo một cách quan trọng: tái cân bằng là nói nhiều hơn thực chất.
Ông Obama được cho là am hiểu Đông Nam Á và can dự theo những thể thức của khu vực này.
Ông đã xuất hiện tại các hội nghị thượng đỉnh do ASEAN lãnh đạo, triển khai những luận điệu cao cả phù hợp với những bất an và tham vọng của chính khu vực.
Tuy nhiên, có cảm giác rằng ông Obama không hứng thú với tình trạng rối tung của địa chính trị khu vực, đặc biệt là khi đối phó với Trung Quốc.
Trong khi các chính phủ khu vực tin tưởng vào việc xây dựng sự đồng thuận và tìm kiếm đầu vào cho các quyết định quan trọng, họ cũng rất thực tế. Họ không muốn chủ nghĩa đa phương của Mỹ tạo vỏ bọc cho sự thất bại trong việc chống lại chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc.
Đối với người Đông Nam Á, phiên bản FOIP của Mỹ có nghĩa là đẩy lùi Trung Quốc bằng tất cả các công cụ và nguồn lực sẵn có.
Ông Biden sẽ làm tốt việc kết hợp cả hai cách tiếp cận của ông Trump và Obama: giảm bớt luận điệu trong khi kiên quyết chống lại Trung Quốc và làm việc với các đồng minh và đối tác để duy trì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Ông Biden có khả năng sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại truyền thống hơn của Mỹ, theo đó, nhân quyền và các quyền tự do dân sự sẽ tái khẳng định sức nặng và sự nổi bật.
Việc Mỹ điều chỉnh lại các giá trị dân chủ và những lợi ích địa chiến lược như thế nào sẽ có hệ quả đối với Đông Nam Á và Thái Lan - quốc gia vẫn đang vật lộn với những tác động của cuộc đảo chính năm 2014.
Thái Lan đang ở giữa một cuộc xung đột nội bộ mang tính tồn vong về tương lai chính trị của nước này.
Từng bị chia rẽ giữa đỏ và vàng, thành thị và nông thôn, những chia rẽ ngày nay có tính chất thế hệ: 40 tuổi là đường phân chia.
Những người Thái trẻ tuổi hơn đang mong muốn chấm dứt sự tranh giành chính trị mà đã tiêu tốn của đất nước họ hai thập niên, và đang cố gắng hiện đại hóa các thể chế chính trị của đất nước, đặc biệt là quân đội và chế độ quân chủ.
Phần lớn cộng đồng quốc tế đứng ngoài điều này. Ông Trump chưa bao giờ lên tiếng chống lại chính quyền quân sự của Thái Lan.
Chính quyền Biden có thể cảm thấy buộc phải đứng ra công khai hơn cho dân chủ và nhân quyền.
Điều này đôi khi sẽ tạo ra căng thẳng trong quan hệ song phương, mặc dù không cần thiết phải hạ quan hệ song phương như đã xảy ra khi chính quyền Obama áp đặt các lệnh trừng phạt sau cuộc đảo chính năm 2014.
Mỹ không được im lặng nhưng cũng không được đổ dầu vào lửa. Đây là một cuộc chiến của người Thái. Cân bằng là chìa khóa.
Washington nên ủng hộ dân chủ và các quyền mà không trực tiếp đứng sau phong trào phản đối do sinh viên lãnh đạo đối với cải cách quá hạn của Thái Lan. Việc tập trung vào dân chủ và nhân quyền không có khả năng đẩy Thái Lan vào vòng tay của Trung Quốc hơn những gì đã xảy ra.
Một chiến thắng dành cho các sinh viên, có lẽ được biểu hiện bằng cải cách và thỏa hiệp, có khả năng mang lại một chính phủ Thái Lan trong tương lai có xu hướng thách thức những xâm nhập mà Trung Quốc đã thực hiện trong nền kinh tế của họ và ảnh hưởng chính trị mà Trung Quốc đã đạt được nhờ đó.
Ai cũng biết rằng Thái Lan đã hoạt động kém hiệu quả và thiếu ấn tượng với tiềm năng kinh tế, các quan hệ đối ngoại, và sức mạnh chiến lược tổng thể của nước này do xung đột trong nước kéo dài và tốn kém.
Do đó, chính quyền Biden cần ghi nhớ cuộc đấu tranh của Thái Lan để đến thế kỷ 21 với một hệ thống dân chủ khả thi, trong đó có chế độ quân chủ chứ không phải một trật tự chính trị bảo hoàng trấn áp những bất bình phổ biến.
Chính phủ Biden sẽ làm tốt việc hiệu chỉnh và tái cân bằng các giá trị dân chủ và những lợi ích địa chiến lược bằng cách đứng lên đấu tranh cho dân chủ và các quyền cơ bản, đồng thời đứng lên chống lại Trung Quốc.
Ông Biden không cần phải giống Obama trong cách nhìn và thực thi như việc ông phải bác bỏ tất cả những gì ông Trump đã làm.
Nếu ông Biden có thể tìm ra cách để được trang bị các giá trị dân chủ mà không xa lánh các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, trong khi đảm nhận nhiệm vụ Trung Quốc bằng cơ bắp và các nguồn lực trên các chiến trường địa chiến lược từ Biển Đông đến lục địa Đông Nam Á, Mỹ có thể sẽ đứng vững ở Bangkok và các thủ đô Đông Nam Á khác./.