Viễn cảnh đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran trước hạn chót ngày 20/7 có vẻ là xa vời khi ngày 15/7 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng tuy cuộc đàm phán đã đạt được một số tiến triển nhưng hai bên vẫn còn những bất đồng lớn.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu với báo giới tại Vienna (Áo) ngày 15/7 sau nhiều cuộc thương thảo với người đồng cấp Iran Mohammed Javad Zarif và Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp và Đức, Ngoại trưởng John Kerry cho biết “đã có những tiến triển hữu hình về các vấn đề lớn, nhưng vẫn còn những khoảng cách thực sự trong những vấn đề lớn khác.”
Tranh cãi lớn nhất vẫn tồn tại là về chương trình làm giàu urani của Tehran.
Iran lập luận rằng họ cần tiếp tục mở rộng quy mô làm giàu urani làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), nhất là Mỹ, lo ngại Tehran có thể lợi dụng việc mở rộng làm giàu urani này để hướng tới sản xuất các nguyên liệu cho việc chế tạo bom hạt nhân.
Mỹ muốn cắt giảm mạnh việc làm giàu urani ít nhất 20 năm trong khi Iran lại muốn mở rộng việc làm giàu ít nhất một thập kỷ nữa. Một vấn đề tranh cãi nữa là trong khi Iran muốn mọi hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này phải được dỡ bỏ sau từ 3 đến 7 năm, tuy nhiên, phía Mỹ lại muốn duy trì các biện pháp hạn chế có thể kiểm chứng được này trong hơn một thập kỷ.
Vòng đàm phán lần này giữa Iran với nhóm P5+1 bắt đầu từ ngày 12/7 và dự kiến kéo dài đến ngày 20/7, hạn chót của thỏa thuận tạm thời 6 tháng. Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif đã đề xuất kéo dài các cuộc đàm phán thêm 6 tháng.
Phát biểu với báo giới tại Vienna sau các cuộc đàm phán với ông Kerry, ông Zarif nói rằng các cuộc đàm phán trong vài ngày qua đã có những tiến triển “đủ mức để nói với các nhà lãnh đạo chính trị ở trong nước rằng việc tiếp tục là cần thiết.”
Về đề xuất này, Ngoại trưởng John Kerry cho biết ông sẽ phải trở về Washington để xin ý kiến của Tổng thống Barack Obama và tham vấn với Quốc hội về các bước tiếp theo Mỹ cần làm nếu đến ngày 20/7 hai bên vẫn không đạt được một hiệp định toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, có một khó khăn đối với ông Kerry là nhiều nhà lập pháp Mỹ vốn đã nghi ngờ về kết quả đàm phán với Iran, có khả năng sẽ phản đối việc kéo dài đàm phán./.