Các hiệp ước quan trọng nhất về hạn chế vũ khí được Mỹ và Liên Xô ký kết là Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) và Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF), dường như đang đi vào quá khứ.
Nếu tin vào những thông tin rò rỉ trên báo chí, Washington chuẩn bị tuyên bố rút khỏi những hiệp ước này.
Vì sao chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump coi những hiệp ước chủ chốt này là không cần thiết, và việc Washington rút khỏi những hiệp ước này dẫn đến những hậu quả như thế nào?
Tờ báo điện tử Vzglyad (Quan điểm) của Nga ngày 20/10 có bài phân tích về vấn đề này với nội dung như sau:
Mỹ đang nghiêng về quyết định không gia hạn Hiệp ước START. Tuy nhiên, theo đại diện cấp cao chính quyền Mỹ, hiện Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra lập trường cuối cùng, mà còn có "một số cân nhắc."
Cụ thể, các phương án đàm phán mới đang được xem xét, ví dụ, quay trở lại mô hình cái gọi là Hiệp ước Moskva (văn kiện dài 3 trang về cắt giảm tiềm năng tấn công chiến lược ký năm 2002, đã hết hiệu lực do có START-3) hoặc gia hạn START-3.
"Tuy nhiên, phương án gia hạn START-3 ít có khả năng xảy ra," đại diện chính quyền Mỹ nhấn mạnh.
Nếu số phận cuối cùng của START-3 vẫn chưa được định đoạt thì Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung, không kém phần quan trọng đối với Mỹ, hoàn toàn không còn có ý nghĩa đối với Washington.
Ít ra cũng theo tin tức tờ New York Times, trong tuần tới chính quyền Tổng thống Trump sẽ thông báo cho phía Nga việc Mỹ sẵn sàng rút khỏi hiệp ước này.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người mà theo thông tin báo chí Mỹ, kêu gọi rút khỏi START-3, sẽ nói chi tiết những gì đang xảy ra với Moskva.
START-3 là hiệp ước song phương thứ 7 giữa Liên Xô (sau này là Nga) và Mỹ về hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược.
Hiệp ước đầu tiên trong số đó là Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân được ký năm 1972. Hiệp ước START-3 (trở thành sự tiếp nối của các hiệp ước tồn tại trước đó START-1 và START-3) được tổng thống Mỹ và Nga ký năm 2010 và có hiệu lực vào ngày 5/2/2011.
Hai bên nhất trí đến tháng 2/2018 cắt giảm các phương tiện phóng chiến lược đã triển khai (tên lửa đạn đạo liên lục địa và máy bay ném bom hạng nặng) mỗi bên xuống còn 700 đơn vị và 1.500 đầu đạn hạt nhân, có nghĩa là đạt mức thấp nhất trong những thập niên gần đây.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama cho rằng việc ký kết hiệp ước là một trong những chiến thắng đối ngoại của nhà lãnh đạo Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ hiện nay Donald Trump, người phản đối nhiều quyết định của người tiền nhiệm Obama, chỉ trích mạnh mẽ START-3.
Ông cho rằng hiệp ước này có lợi cho Moskva hơn là Washington. START-3 có hiệu lực 10 năm và chỉ đến năm 2021 là hết hạn, nếu trước thời điểm này không có hiệp ước thay thế.
Hiệp ước này có thể gia hạn không quá 5 năm nếu hai bên đồng ý. Như vậy, nếu cả START-3 lẫn INF bị thủ tiêu, điều này sẽ đặt thế giới gần như vào tình huống đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân, như từng xảy ra vào đầu những năm 1970 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, phải nói thêm điều quan trọng rằng nước Nga trong thế kỷ XXI rơi vào tình trạng địa chính trị yếu hơn nhiều so với Liên Xô vào những năm 1970.
[Học thuyết Trump qua bài phát biểu đặc biệt tại Liên hợp quốc]
Trong tuần qua, đại diện của Nga và Mỹ đã tiến hành tham vấn nhiều ngày tại Geneva, Thụy Sĩ về START-3.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, "phái đoàn của Nga và Mỹ tiếp tục thảo luận những vấn đề thực tế liên quan đến việc thực hiện Hiệp ước."
Trước đó, Vụ trưởng Vụ các vấn đề không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Ermakov tuyên bố rằng Moskva sẵn sàng nghiên cứu phương án gia hạn, nhưng tất cả các vấn đề liên quan đến việc Mỹ thực hiện Hiệp ước cần phải khép lại.
Liên quan đến INF, hiệp ước này được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, cấm các bên sở hữu tên lửa đạn đạo bố trí trên mặt đất và tên lửa có cánh với bán kính hoạt động từ 500 đến 5.500km.
Sự nguy hiểm của những tên lửa này trong thời gian bay rất ngắn cho phép các bên tấn công vũ khí hạt nhân lẫn nhau.
Về phía Liên Xô, các tên lửa RSD-10, R-12, R-14, OTR-22, OTR-23 đã được tiêu hủy, còn phía Mỹ cũng đã tiêu hủy các tên lửa như Pershing-1A, Pershing-2 và BGM-109G (Tomahawk có cánh bố trí trên mặt đất).
Đến năm 1991, các tên lửa đã được loại bỏ, cho đến năm 2001, hai bên tiến hành thanh sát lẫn nhau.
Trong những năm gần đây Nga và Mỹ liên tục cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước. Năm 2014, Mỹ thông báo về những vụ thử tên lửa có cánh 9М729 của Nga (nhiều khả năng cả tên lửa 3M14 thuộc tổ hợp tên lửa Kalibr-NK, hoặc tên lửa có cánh tầm xa X-101) tầm bay ít nhất 5.500km.
Đáp lại, Nga nhiều lần đưa ra "những than phiền ngược lại." Ví dụ, Nga chỉ trích sự xuất hiện tại Romania các tổ hợp phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, có khả năng không chỉ tháo gỡ việc chống tên lửa mà còn tấn công bằng tên lửa có cánh tầm xa, chính điều này cũng đi ngược lại hiệp ước.
Trong trường hợp hủy bỏ hiệp ước thì nhiều chuyên gia cho rằng trên thực tế Nga và Mỹ đang khôi phục sự đối đầu quy mô thời Chiến tranh lạnh./.