Mỹ đang vô tình giúp Trung Quốc vươn tới vị thế lãnh đạo toàn cầu?

Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” không chỉ khiến Mỹ dần đánh mất vị thế lãnh đạo toàn cầu mà còn tạo cơ hội cho các quốc gia khác - đặc biệt là Trung Quốc - định hình lại trật tự quốc tế theo ý mình.
Mỹ đang vô tình giúp Trung Quốc vươn tới vị thế lãnh đạo toàn cầu? ảnh 1Các tấm pin năng lượng mặt trời tại Quý Châu, Trung Quốc ngày 10/6/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Đài Sputnik, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ khiến Mỹ dần đánh mất vị thế lãnh đạo toàn cầu mà còn tạo cơ hội cho các quốc gia khác - đặc biệt là Trung Quốc - định hình lại trật tự quốc tế theo ý mình.

Trên trang Project-Syndicate ngày 12/8, tác giả Barry Eichengreen - Giáo sư về kinh tế tại trường Đại học California, Berkeley (Mỹ), trước đây là cố vấn cấp cao về chính sách tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - cho rằng chủ nghĩa đơn phương có phần cực đoan của Trump dường như chỉ làm cho Mỹ tụt khỏi vị trí lãnh đạo kinh tế và chính trị toàn cầu.

Rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, “hung hăng” tham gia các cuộc chiến thương mại, tấn công từ đối thủ đến đồng minh lâu năm... tất cả những hành động này của Trump đang biến Mỹ trở thành một đối tác không đáng tin cậy trong việc duy trì trật tự thế giới.

Không chỉ có vậy, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” đang tạo ra không gian cho các nước khác định hình lại hệ thống và trật tự quốc tế. Khi Mỹ quay lưng lại với trật tự toàn cầu, các nước khác - đặc biệt là Trung Quốc - có thể lợi dụng thời cơ này để vươn lên vị thế dẫn đầu về cải cách các quy tắc thương mại và đầu tư quốc tế.

Ví dụ, khi Liên minh châu Âu (EU) coi Mỹ là đối tác thương mại không đáng tin cậy, họ sẽ bắt đầu tính đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Vậy nên, vấn đề mà giới quan sát quan tâm hàng đầu hiện nay là Trung Quốc muốn gì? Các nhà lãnh đạo của họ đang định hình trật tự kinh tế quốc tế nào trong đầu?

Năm 2017, Trung Quốc cam kết phát triển một nền kinh tế toàn cầu mở tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và êkíp của ông rõ ràng muốn gửi đi thông điệp rằng Bắc Kinh không muốn gỡ bỏ hệ thống thương mại toàn cầu hiện tại. Tuy nhiên, nền kinh tế thứ 2 thế giới đang hướng tới toàn cầu hóa theo hướng khác biệt với quan điểm mà chúng ta vẫn thường nhìn nhận.

Bắc Kinh dựa nhiều hơn vào các hiệp định thương mại song phương và khu vực, ít quan tâm hơn tới các vòng đàm phán đa phương.

[Trung Quốc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đối với Mỹ]

Cụ thể, năm 2002, Trung Quốc ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện với ASEAN. Không lâu sau đó, họ tiếp tục bước vào đám phán các hiệp định thương mại tự do song phương với từng quốc gia. Tuy nhiên, cách tiếp cận này làm giảm sút vai trò của Trung Quốc trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đang dồn rất nhiều nguồn lực vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” với cam kết đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia.

Với kế hoạch đầy tham vọng này, giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy họ đang muốn biến Bắc Kinh trở thành trung tâm, trong khi các quốc gia khác sẽ trở thành các "vệ tinh" phụ họa.

Rõ ràng, Bắc Kinh không hề giấu diếm tham vọng định hình lại hệ thống thương mại toàn cầu và mọi giao dịch sẽ xoay quanh họ.

Theo đà này, Trung Quốc bắt đầu tính đến chuyện sắp xếp các thể chế khác để bổ sung cho chiến dịch thương mại của mình.

Kịch bản này trên thực tế đã bắt đầu, với "phát súng" đầu tiên là sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á, với tham vọng đóng vai trò thay thế Ngân hàng Thế giới trong khu vực.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tìm cách thách thức vai trò của IMF. Năm 2016, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc cung cấp gói trợ giúp khẩn cấp trị giá 900 triệu USD cho Pakistan, giúp chính phủ nước này tránh việc phải cầu viện đến IMF.

Không chỉ cho thấy "độ hào phóng," Chính phủ Trung Quốc thực tế đang dùng những khoản trợ cấp này và các chỉ thị tới các doanh nghiệp trong nước như cách để định hình nền kinh tế.

Kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” - được đề ra nhằm tăng cường tiềm lực công nghệ cao của quốc gia đông dân nhất thế giới - chính là hiện thân mới nhất cho định hướng này.

Trong khi WTO đưa ra các quy định hạn chế trợ cấp, Trung Quốc hướng tới một hệ thống thương mại nới lỏng những hạn chế như vậy. Một “chế độ quốc tế” do Trung Quốc lãnh đạo cũng sẽ ít cởi mở hơn đối với các dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Hạn chế này nhằm mục đích giúp các công ty Trung Quốc có không gian để phát triển công nghệ, trong khi các công ty đa quốc gia của Mỹ đang tìm kiếm môi trường hoạt động ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với những trở ngại mới.

Trong khi các nhà xuất khẩu và các công ty nước ngoài đang tìm một sân chơi bình đẳng, thì Trung Quốc lại tìm cách dựng lên một nền kinh tế mở cửa cho thương mại, ít tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, đánh bật các kênh đầu tư nước ngoài của Mỹ. Điều này rõ ràng trái ngược với những gì mà chính quyền Trump mong muốn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.