Trao đổi với Tân Hoa Xã, giới phân tích cho rằng phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về việc Thổ Nhĩ Kỳ cần phải rời khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga chỉ mang tính chất đe dọa.
Tuy nhiên, Washington có thể gây áp lực kinh tế để buộc Ankara từ bỏ thỏa thuận này. Hasan Koni - nhà phân tích quan hệ quốc tế của trường Đại học Văn hóa Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - đánh giá rằng "phát biểu của ông Pence chỉ là một câu nói huênh hoang."
Washington, vốn rất tức giận trước quyết định của Ankara mua hệ thống phòng không hiện đại của Nga, lo ngại tên lửa S-400 có thể gây tổn hại đến an ninh của NATO.
Mỹ dường như đặc biệt lo ngại hệ thống này có thể do thám những chiếc tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất hiện được đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ không những là khách hàng mua máy bay F-35 của hãng chế tạo vũ khí quốc phòng nổi tiếng của Mỹ Lockheed Martin, mà còn là một trong 8 đối tác quốc tế sản xuất linh kiện của loại máy bay này, bao gồm thân máy báy và buồng lái.
Phó Tổng thống Pence tuyên bố hôm 3/4: "Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra lựa chọn. Ankara muốn vẫn là một đối tác quan trọng trong liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử này, hay muốn đặt ra nguy cơ đối với an ninh của tổ chức này bằng cách đưa ra những quyết định thiếu thận trọng như vậy, làm xói mòn liên minh NATO?"
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan đến những tranh cãi nói trên, đầu tuần này Washington đã hoãn chuyển giao cho Ankara các thiết bị liên quan đến các máy bay F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đang kỳ vọng sẽ được nhận trong năm nay.
Trái ngược lại với quan điểm của ông Pence, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng mỗi thành viên của NATO có quyền quyết định họ sẽ mua loại vũ khí nào.
Nhà phân tích Koni cho rằng Mỹ sẽ không thể để mất Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc trong khu vực, tại thời điểm mà Washington đang tìm cách kiềm chế Nga tại Biển Đen, Đông Địa Trung Hải và vùng Caucasus.
Ilhan Uzgel - một nhà phân tích về quan hệ quốc tế - nhận định rằng việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO là một phản ứng thái quá và có thể gây tổn hại cho chính nước Mỹ.
Theo nhà phân tích này, nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, Washington sẽ không thể sử dụng các căn cứ tình báo và quân sự tại quốc gia này và điều đó có nghĩa là NATO sẽ mất đi thanh thế.
[Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ xuống cấp trầm trọng]
Ông nói thêm: "Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ sau đó có thể xích lại gần Nga và Iran, và trên thực tế là cả với Trung Quốc."
Theo kế hoạch, Ankara sẽ được nhận đợt hàng đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 vào tháng 7 tới. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải đưa ra sự lựa chọn.
Ông lập luận rằng hệ thống S-400 sẽ phải là mối đe dọa đối với các tiêm kích F-35 hoặc bất kỳ hệ thống nào của NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Koni dự đoán rằng Mỹ có thể sẽ gây áp lực kinh tế để ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ, song cuối cùng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận, bởi Ngoại trưởng Cavusoglu đã một lần nữa tuyên bố tại Washington rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẵn sàng mua tên lửa Patriot của Mỹ.
Có cùng quan điểm với ông Koni, nhà phân tích Uzgel cho biết: "Mỹ sẽ sử dụng những công cụ kinh tế để ngăn cản Ankara mua S-400" đồng thời lưu ý vấn đề kinh tế là điểm yếu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang cần nguồn vốn nước ngoài khổng lồ để vận hành nền kinh tế đang chìm trong nợ nần của nước này, trong bối cảnh lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao và xuất hiện những dấu hiệu của tình trạng suy thoái.
Theo ông Koni, Nga cũng không thích ý tưởng Ankara bị "tống ra khỏi" NATO. Ông lập luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của một Chính quyền Hồi giáo có thể sau này sẽ áp dụng quan điểm Hồi giáo vào chính sách đối ngoại, và điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở nên thu hút hơn đối với cộng đồng người Hồi giáo tại Nga.
Trong một cuộc họp của NATO cuối tuần trước tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Cavusoglu đã đề cập đến vấn đề tên lửa S-400 với người đồng cấp Mike Pompeo, bày tỏ tin tưởng rằng Ankara và Washington có thể nhất trí về giá cả của tên lửa Patriot, tuy nhiên Chính quyền Mỹ không thể đảm bảo Quốc hội sẽ thông qua một thỏa thuận như vậy với Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ hy vọng rằng hai nước sẽ nỗ lực để "tìm ra con đường phía trước" và rằng có nhiều cơ hội lớn để hai nước hợp tác chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, ngày 5/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm của Ankara về việc mua S-400 của Nga, khẳng định rằng thỏa thuận này đã hoàn tất và việc thanh toán vẫn sẽ được tiến hành.
Trái ngược với những quan điểm của Ngoại trưởng Cavusoglu tại Washington, ông Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không bị hấp dẫn bởi đề xuất của phía Mỹ liên quan tới hệ thống tên lửa Patriot.
Tổng thống Endorgan có kế hoạch gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moskva vào ngày 8/4, và vấn đề S-400 sẽ là chương trình nghị sự hàng đầu.
Erdogan và Putin đã gặp nhau hơn 12 lần và nhiều lần điện đàm với nhau trong những tháng gần đây, tạo ra bước tiến đáng kể trong việc tăng cường mối quan hệ song phương.
Trong cuộc gặp lần này, hai nhà lãnh đạo sẽ tham dự cuộc họp cấp cao của Hội đồng Hợp tác Nga-Thổ Thổ Nhĩ Kỳ tại Moskva.
Bất chấp quan điểm của Ankara, cả hai nhà phân tích đều cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ tên lửa S-400 trên lãnh thổ nước này ở trạng thái không hoạt động, trong khi tìm cách mua tên lửa Patriot của Mỹ.
Hai nhà phân tích đều lập luận rằng Washington có thể sắp xếp được một thỏa thuận như vậy.
Theo nhà phân tích Uzgel, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng thỏa thuậ mua S-400 của Nga để mua các tên lửa Patriot với giá rẻ hơn.
Togrul Ismayil - chuyên gia về Nga thuộc trường Đại học Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) - bày tỏ quan ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể chấm dứt thỏa thuận với Nga.
Tuy nhiên, ông nói rằng điều này "có thể gây phương hại tới uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ" và quốc gia này vẫn phải thanh toán tiền phạt cho Moskva vì vi phạm hợp đồng.
Thậm chí, trong trường hợp Ankara thay đổi ý định trong việc mua tên lửa của Nga thì sự hợp tác của nước này trong nhiều lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, thương mại, văn hoá và du lịch với Moskva vẫn được dự đoán sẽ phát triển trong tương lai.
Ankara đã nhiều lần khẳng định hệ thống S-400 sẽ không được hợp nhất vào hệ thống của NATO để xoa dịu sự lo ngại của Mỹ.
Tuy nhiên, nhà phân tích Uzgel cho rằng đi cùng với việc Ankara mua hệ thống S-400 là quan hệ đối tác chiến lược với Nga - đây là điều khiến Mỹ rất tức giận.
Mặc dù vậy, ông Koni nhận định rằng Ankara có lẽ cũng không muốn phá vỡ mối quan hệ với Washington, bởi nước này đang đứng trước nguy cơ đối đầu với Moskva liên quan đến tình hình tại tỉnh Idlib - thành trì lớn cuối cùng của phe nổi dậy tại Syria./.