Ngày 24/4, Bộ Tư lệnh phương Nam (USSOUTHCOM) thuộc quân đội Mỹ xác nhận đã cử một máy bay quân sự cùng lực lượng tiếp viện đến bảo vệ Đại sứ quán nước này tại Haiti.
Trong một tuyên bố, USSOUTHCOM cho biết chiếc C-130 của Không quân Mỹ đã tới sân bay quốc tế Toussaint Louverture của Haiti ngày 23/4 để thực hiện luân chuyển nhân sự theo kế hoạch.
Đây là chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống Port-au-Prince kể từ ngày 4/3.
Trong khi đó, một số hãng hàng không đã hoạt động trở lại tại sân bay Cap-Haïtien của Haiti.
Các băng nhóm vũ trang đang tăng cường tấn công và bao vây Cung điện quốc gia - nơi dự kiến diễn ra lễ tuyên thệ chính thức của Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp (CPT) của Haiti.
Buổi lễ dự kiến sẽ có hơn 100 khách mời. Để đảm bảo an toàn, lực lượng an ninh của Phủ Tổng thống Haiti đã quyết định giới hạn quyền tiếp cận Cung điện quốc gia.
Các băng nhóm vũ trang đã hai lần tấn công bất thành Cung điện quốc gia, lập luận rằng CPT được thành lập tại Jamaica dưới sự bảo trợ của Cộng đồng Caribe (Caricom) và sự giám sát của Mỹ, do đó không đại diện cho ý chí của người dân Haiti.
Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell cho biết thủ đô của Haiti gần như vẫn bị cô lập hoàn toàn do các lệnh phong tỏa trên không, trên biển và trên đất liền, khi bạo lực băng nhóm gia tăng, ngăn cản viện trợ đến tay 58.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng ở mức nghiêm trọng nhất.
Theo bà Catherine Russell, gần 70% số trẻ em Haiti cần được giúp đỡ.
Phụ nữ và trẻ em gái nước này đang phải chịu bạo lực giới tính và tình dục "cực kỳ nghiêm trọng," trong khi khoảng 30% đến 50% các nhóm vũ trang chiêu mộ trẻ em vào hàng ngũ.
Giám đốc điều hành UNICEF mô tả tình hình Haiti “ngày càng thảm khốc và tồi tệ”./.
Khủng hoảng ở Haiti: Nhiều công dân Mỹ yêu cầu chính phủ bảo hộ
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington tiếp tục theo dõi tình hình, đánh giá nhu cầu của công dân, tình hình an ninh chung và nghiên cứu các phương án vận chuyển thương mại khác nhau.