Mỹ đồng ý bán hệ thống pháo phản lực HIMARS cho Ba Lan

Cơ quan Hợp tác An ninh Phòng thủ Mỹ (DSCA) cho biết,Bộ Ngoại giao nước này đã thông qua thương vụ bán 20 bệ phóng của hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS cho Ba Lan.
Mỹ đồng ý bán hệ thống pháo phản lực HIMARS cho Ba Lan ảnh 1Tên lửa được bắn từ Hệ thống phóng tên lửa đa nòng cơ động tầm cao HIMARS của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận ở Philippines. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo hãng Reuter, ngày 29/11, Cơ quan Hợp tác An ninh Phòng thủ Mỹ (DSCA) cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đã thông qua thương vụ bán 20 bệ phóng của hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS cho Ba Lan nhằm mục đích tăng cường an ninh trong khu vực và hiện đại hóa quân đội nước này.

Trong tuyên bố đăng tải tối ngày 29/11, DSCA thông báo: “Thương vụ dự kiến này sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ, thông qua việc cải thiện an ninh của một đồng minh NATO vốn đóng vai trò là một lực lượng quan trọng cho sự ổn định chính trị và sự phát triển kinh tế ở châu Âu.”

DSCA dẫn đầu các nỗ lực của Mỹ trong việc huấn luyện và trang bị cho các đồng minh của nước này. Hồi năm ngoái, Ba Lan đã đề nghị mua hệ thống HIMARS do tập đoàn công nghệ quốc phòng Lockheed Martin chế tạo.


[Romania chi gần 4 tỷ USD mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ]

Trước đó, ngày 28/11, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã chấp thuận một chương trình mới nhằm nâng cấp quân đội nước này, trong đó có tăng cường an ninh mạng cũng như hệ thống phòng không mới và các hệ thống tên lửa tầm xa.

Thương vụ mua sắm bệ phóng HIMARS và thiết bị liên quan, ước tính trị giá khoảng 655 triệu USD, là một phần trong chương trình nâng cấp này.

Trên tài khoản Twitter, ông Blaszczak nhấn mạnh: “Đây là một bước tiến lớn hướng tới việc hoàn tất hợp đồng mang tính bước ngoặt này cho quân đội Ba Lan”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.