Theo các chuyên gia y tế, các chính sách mới của Chính phủ Mỹ giảm một nửa thời gian cách ly đối với những người mắc COVID-19 không triệu chứng là thiếu an toàn và có thể đẩy số ca mắc tăng hơn nữa trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh đang gia tăng ở nước này do biến thể Omicron.
Trong tuần này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã giảm thời gian cách ly được khuyến nghị cho những người mắc COVID-19 không triệu chứng từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Sau 5 ngày hết cách ly, họ chỉ phải đeo khẩu trang trong 5 ngày tiếp theo.
Theo CDC, sự lây lan rất nhanh của biến thể Omicron có thể buộc thêm nhân viên trong nhiều ngành có thể vẫn phải làm việc ở nhà trong những tuần tới, thậm chí nếu họ không bị ốm hoặc mắc COVID-19.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã bày tỏ lo ngại rằng chính sách cách ly này đã không đề cập đến điểm khác biệt giữa người chưa tiêm chủng và người đã tiêm chủng - những người phục hồi với tỷ lệ khác nhau.
Chính sách này cũng không yêu cầu xét nghiệm để xác nhận liệu người này có còn mắc bệnh hay không trước khi họ trở lại làm việc.
Tiến sỹ Eric Topol, Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps, nhận định: "Người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải mất thời gian lâu hơn nhiều để khỏi bệnh và không lây truyền bệnh."
Tiến sỹ Topol và nhiều nhà khoa học khác cho rằng hiện chưa có đủ bằng chứng về cách thức hoạt động của biến thể Omicron để ủng hộ khuyến nghị của CDC về cách ly 5 ngày, quyết định điều trị theo cùng một phương pháp đối với người đã tiêm vaccine và người chưa tiêm vaccine, cũng như không yêu cầu xét nghiệm vào cuối giai đoạn cách ly.
[Các xét nghiệm nhanh của Mỹ có thể không phát hiện được Omicron]
Trong khi đó, Giám đốc CDC Rochelle Walensky ngày 29/12 cho biết cơ quan này đưa ra quyết định trên dựa trên kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn virus SARS-CoV-2 gây bệnh lây lan trong giai đoạn rất sớm ngay khi người bệnh nhiễm, thường là trong hai ngày đầu tiên trước khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và phán tán mạnh trong 2-3 ngày tiếp theo.
Bà cho biết các khảo sát đến nay cho thấy chỉ một số ít người mắc COVID-19 sẵn sàng cách ly trong đủ 10 ngày trong đại dịch.
Liên quan đến việc không yêu cầu xét nghiệm sau khi hết cách ly, bà Walensky cho rằng không thể tiến hành các xét nghiệm PCR tiêu chuẩn để xác định khi nào một người có thể rời khỏi nơi cách ly bởi họ có thể vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vài tuần sau đó.
Trong khi đó, hiện vẫn chưa rõ mức độ dự đoán liệu một người có thể lây truyền virus vào giai đoạn cuối mắc bệnh bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Tuy nhiên, trong hướng dẫn mà CDC ban hành tuần trước có yêu cầu tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với lực lượng nhân viên y tế trước khi họ trở lại làm việc.
Trong khi đó, Tiến sỹ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 29/12 nhấn mạnh các nước cần "cẩn trọng" trong việc giảm các biện pháp hạn chế phòng dịch, đồng thời cho rằng ở thời điểm hiện tại, không nên có thay đổi lớn trong chiến thuật và chiến lược phòng dịch chỉ dựa trên cơ sở các nghiên cứu ban đầu và sơ bộ về Omicron.
Tiến sỹ Ryan chỉ ra rằng ngay cả với những biến thể trước, hầu hết bệnh nhân sẽ ủ bệnh và xuất hiện các triệu chứng hoặc cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 6 ngày đầu.
Như vậy, chỉ sau khoảng thời gian này, khả năng dương tính hoặc truyền bệnh mới thấp hơn. Do đó, việc giảm thời gian cách ly với những người mắc COVID-19 là “sự đánh đổi” giữa việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh với duy trì các hoạt động của nền kinh tế.
Tiến sỹ Ryan đưa ra tuyên bố trên sau khi Tây Ban Nha thông báo rút ngắn thời gian cách ly đối với các ca mắc COVID-19 từ 10 xuống còn 7 ngày. Trước đó, Mỹ cũng giảm khuyến nghị cách ly đối với các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày./.