Mỹ-Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên

Mỹ-Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán 6 bên

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ-Hàn gặp nhau tại Washington trong khuôn khổ cuộc đối thoại “2+2” lần thứ 3.
Mỹ-Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán 6 bên ảnh 1Một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. (Nguồn: AFP)

Mỹ và Hàn Quốc ngày 24/10 hối thúc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của nước này. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước gặp nhau tại Washington trong khuôn khổ cuộc đối thoại “2+2” lần thứ 3.

Tuyên bố chung của 2 bên sau cuộc đối thoại nêu rõ “các bộ trưởng đã nhất trí rằng tiến trình phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên”.

Tuyên bố hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại “cuộc đàm phán đáng tin cậy và có ý nghĩa” hướng tới một tiến trình phi hạt nhân hóa “toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” tại bán đảo này.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh các nước sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên song đàm phán suông sẽ "không có mấy giá trị". Ông hối thúc Bình Nhưỡng thể hiện “sự nghiêm túc” trong vấn đề phi hạt nhân hóa và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình. Ông cũng bác bỏ khả năng Mỹ giảm bớt sự hiện diện quân sự ở châu Á để đổi lấy việc Bình Nhưỡng quay trở lại đàm phán 6 bên.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se mô tả cách hành xử của Triều Tiên trong những tháng gần đây là “hết sức lạ thường”, gọi đó là sự kết hợp giữa “liên tục gây hấn” và “tìm kiếm đối thoại."

Vòng đàm phán 6 bên (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Triều Tiên) về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên được khởi động từ năm 2003, song bị đình trệ từ cuối năm 2008.

Kể từ sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào tháng Hai năm ngoái, Triều Tiên đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng nối lại đàm phán vô điều kiện và đề nghị này nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc. Tuy nhiên Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ yêu cầu Triều Tiên trước hết phải chứng minh thái độ chân thành từ bỏ hạt nhân bằng hành động cụ thể trước khi nối lại đàm phán.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày thông báo Đặc phái viên của Mỹ về đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên Sydney Seiler sẽ tới Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản trong tuần tới để thảo luận về chính sách liên quan tới Bình Nhưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.