Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản thảo luận cách thức kết nối với Triều Tiên

Theo các nhà đàm phán, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có sự đồng thuận rất lớn về tầm quan trọng của hợp tác và phối hợp ba bên trong tất cả các khía cạnh của chính sách hiện nay với Triều Tiên.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản thảo luận cách thức kết nối với Triều Tiên ảnh 1Các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tại cuộc họp ba bên ở Seoul (Hàn Quốc), hồi tháng Sáu năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/2, các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thảo luận các cách thức nhằm kết nối với Triều Tiên trong khuôn khổ các cuộc đàm phán diễn ra tại Honolulu, Hawaii (Mỹ).

Phát biểu với báo giới sau các cuộc họp song phương và ba bên với người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk và người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim cho biết các bên đã có cuộc thảo luận rất chi tiết, thực chất về những diễn biến gần đây.

Ông cho biết ba nước đã có sự đồng thuận rất lớn về tầm quan trọng của hợp tác và phối hợp ba bên trong tất cả các khía cạnh của chính sách hiện nay với Triều Tiên.

Trong khi đó, đặc phái viên Hàn Quốc Noh Kyu-duk đánh giá nội dung các cuộc họp rất ý nghĩa và hữu ích. Tại cuộc họp, các bên đã chia sẻ quan điểm về mức độ nghiêm trọng của tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và thảo luận một số phương thức liên lạc với Bình Nhưỡng.

[Mỹ-Nhật-Hàn nhất trí phối hợp chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên]

Ông cho biết các bên đã thảo luận về nhiều bước đi và đưa ra cả ý tưởng mới nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Một trong số các bước đi này có cả đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, ông cho rằng cần đánh giá xem biện pháp này có hiệu quả và khả thi hay không.

Về phần mình, đặc phái viên Funakoshi của Nhật Bản cũng đánh giá cuộc họp ba bên đã diễn ra tốt đẹp.

Các cuộc gặp trên được xem là tiền đề cho cuộc họp cấp ngoại trưởng ba bên dự kiến diễn ra tại Honolulu vào ngày 12/2. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong sẽ đến Honolulu để tham dự các cuộc thảo luận song phương và ba bên với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi.

Triều Tiên đã từ chối các đề nghị đàm phán phi hạt nhân hóa kể từ cuối năm 2019. Các cuộc họp trên diễn ra sau hàng loạt vụ phóng tên lửa Triều Tiên thực hiện trong thời gian gần đây, bao gồm cả vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) vào ngày 30/1 vừa qua.

Tính chung trong cả tháng 1/2022, Triều Tiên đã tiến hành bảy vụ phóng - số vụ thử tên lửa nhiều nhất mà nước này thực hiện trong một tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.