Mỹ khẳng định sẵn sàng đối thoại với Ấn Độ sau căng thẳng thương mại

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington vẫn để mở phương án đối thoại và hy vọng rằng các đối tác Ấn Độ sẽ dỡ bỏ những rào cản thuế quan và tin tưởng sự canh tranh của các doanh nghiệp nước mình.
Mỹ khẳng định sẵn sàng đối thoại với Ấn Độ sau căng thẳng thương mại ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mỹ sẵn sàng đối thoại với Ấn Độ sau khi Washington chấm dứt ưu đãi thương mại đối với New Delhi trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP).

Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra ngày 12/6 trước thềm chuyến thăm quốc gia Nam Á này.

Trong bài phát biểu liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Ấn Độ, ông Pompeo khẳng định Washington vẫn để mở phương án đối thoại và hy vọng rằng các đối tác Ấn Độ sẽ dỡ bỏ những rào cản thuế quan và tin tưởng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước mình.

[Tổng thống Trump chấm dứt quy chế ưu đãi thuế quan cho Ấn Độ]

Nhà ngoại giao Mỹ cho biết chắc chắn hai bên sẽ tiếp cận một số vấn đề gai góc, và nhiều khả năng quyết định mới đây của Washington liên quan đến GSP cũng nằm trong nội dung thảo luận.

Cũng trong bài phát biểu này, ông Pompeo đã kêu gọi tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và không gian vũ trụ, ông đồng thời bảo vệ chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Trump là "tự do và mở cửa."

Ngày 31/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ GSP kể từ ngày 5/6 với lý do New Delhi không đảm bảo được sẽ đem đến quyền tiếp cận công bằng và phù hợp cho Mỹ với thị trường của nước này.

Hệ thống GSP miễn thuế cho “một số sản phẩm nhất định” nhập khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc “cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng.”

Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất tư chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2017.

Trong giai đoạn 2017-2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ là 26,7 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.