Mỹ Latinh đối mặt nguy cơ thảm họa nếu nới lỏng giãn cách xã hội

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 1/5 cảnh báo khu vực Mỹ Latinh sẽ đối mặt với thảm họa khi chính phủ các nước trong khu vực bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19.
Mỹ Latinh đối mặt nguy cơ thảm họa nếu nới lỏng giãn cách xã hội ảnh 1Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân tại một bãi đỗ xe ở Brasilia, Brazil, ngày 21/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 1/5 cảnh báo khu vực Mỹ Latinh sẽ đối mặt với thảm họa khi chính phủ các nước trong khu vực bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 để tìm kiếm sự “bình thường mới” trong khi mối đe dọa của điều “tồi tệ” nhất đang đến gần.

Hai tháng sau khi nghi nhận ca bệnh đầu tiên tại thành phố Sao Paulo, Brazil, số ca tử vong do đại dịch CVID-19 tại khu vực trên 630 triệu dân này đã lên trên 11.000 người và số ca bệnh đạt hơn 230.000 người. Brazil và Mexico chiếm 69% trên tổng số ca tử vong trong khu vực.

Trước đó, phản ứng nhanh chóng của các chính phủ, với việc giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, kiểm dịch bắt buộc và thậm chí là giới nghiêm, cho phép tiết kiệm thời gian để mở rộng khả năng chăm sóc y tế bằng cách chuyển đổi các trung tâm hội nghị thành bệnh viện dã chiến, mua sắm vật tư, thiết bị y tế và huy động thêm các bệnh viện tư chung tay chống dịch.

[Brazil có thể sẽ là tâm dịch mới của thế giới trong những tuần tới]

Nhưng giờ đây, chính phủ các nước trong khu vực đang cố gắng tìm sự cân bằng giữa các biện pháp ngăn chặn này và tái kích hoạt kinh tế, và sau cú sốc ban đầu, người dân đã bắt đầu tỏ ra chủ quan với dịch bệnh.

Chính phủ nhiều nước trong khu vực như Brazil, Uruguay, Costa Rica, Argentina, Ecuador đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch như hạ cấp độ rủi ro, mở lại các trường học tại nông thôn, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và trung tâm thương mại.

Mexico, nước có số ca nhiễm trên 20.000 người và tỷ lệ tử vong cao nhất khu vực, đã lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế tại một số bang kiểm soát tốt dịch bệnh từ ngày 17/5 tới và các bang còn lại sẽ được hoạt động bình thường trở lại từ ngày 1/6, trong khi đỉnh dịch được dự báo diễn ra vào ngày 8-10 tới và sẽ kéo dài 3 tuần.

Giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm và phân tích sức khỏe của PAHO, Marcos Espinal, cảnh báo chính phủ các quốc gia trong khu vực không nên buông lỏng cảnh giác cho tới khi dịch đạt đỉnh điểm và số ca nhiễm bắt đầu giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục