Mỹ: Một cảnh sát bị kết tội ngộ sát vì bắn chết người da màu

Mỹ: Một cảnh sát bị kết tội ngộ sát khi bắn chết người da màu

Cảnh sát Mỹ gốc Á, Peter Liang, 28 tuổi, có thể đối mặt với mức án 15 năm tù giam do đã bắn vào ngực một người da màu không vũ trang khiến người này tử vong.
Cảnh sát Mỹ gốc Á Peter Liang. (Nguồn: AP)

Một bồi thẩm đoàn tại thành phố New York, Mỹ đã nhất trí kết tội đối với cảnh sát Mỹ gốc Á, Peter Liang do hành vi bắn chết một người đàn ông da màu không vũ trang hồi tháng 11/ 2014.

Các công tố viên Mỹ cho hay sau phiên tòa kéo dài hai tuần, bồi thẩm đoàn đã nhất trí tuyên cảnh sát Liang phạm tội ngộ sát cấp độ 2 và có hành vi thực thi công vụ không đúng mức.

Peter Liang, 28 tuổi, có thể đối mặt với mức án 15 năm tù giam do đã bắn vào ngực Akai Gurley, khiến người này tử vong. Tòa án sẽ tuyên án vào ngày 14/4 tới.

Sự việc diễn ra vào ngày 20/11/2014 khi cảnh sát Liang cùng cộng sự đang tuần tra tại khu chung cư Louis H. Pink, New York. Trong lúc Liang tuần tra tại tầng 8 của tòa nhà, thì Akai Gurlay đi xuống cầu thang. Đèn ở cầu thang không hoạt động đã khiến cảnh sát Liang lầm tưởng và nổ súng bắn Gurlay.

Theo công tố viên New York, cảnh sát Liang đã nổ súng vô cớ, và đây chỉ là một tai nạn. Tuy nhiên, viên cảnh sát này đã hành xử sai khi không thông báo sự việc với cấp trên, hay đưa Gurlay đi cấp cứu.

Đây chỉ là một trong số nhiều vụ cảnh sát da trắng có hành vi khống chế quá tay đối với người da màu, gây ra sự phẫn nộ trong dư luận Mỹ. Các vụ biểu tình đã diễn ra ở nhiều bang của Mỹ để phản đối vụ cảnh sát da trắng Darren Wilson ở Ferguson bắn chết thanh niên da đen Michael Brown khi anh này không cầm vũ khí và một số vụ việc tương tự khác.

Tình trạng căng thẳng gia tăng đến mức Tổng thống Barack Obama phải lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh và tôn trọng pháp luật, đồng thời đề xuất cần có những thay đổi sâu sắc để chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc và xói mòn niềm tin giữa cảnh sát da trắng và người da màu ở Mỹ.

Theo một báo cáo công bố hồi đầu năm 2016, 1.130 người dân Mỹ đã thiệt mạng dưới họng súng của cảnh sát trong năm 2015. Người gốc Phi, chỉ chiếm 4% dân số Mỹ, nhưng họ lại chiếm tới 40% trong số những người không có vũ khí bị cảnh sát giết hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục