Mỹ-Nga thảo luận về tiến trình thực hiện thỏa thuận thủ tiêu tên lửa

Đây là cuộc họp đầu tiên trong suốt 16 năm qua, được coi là cơ hội để Nga và Mỹ trao đổi quan điểm cụ thể liên quan việc thực thi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và ngắn.
Mỹ-Nga thảo luận về tiến trình thực hiện thỏa thuận thủ tiêu tên lửa ảnh 1Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong các ngày 15-16/11, theo đề xuất của Mỹ, các phái đoàn của Mỹ, Nga, Belarus, Kazakhstan và Ukraine đã gặp gỡ tại Geneva (Thụy Sĩ), trong khuôn khổ cuộc họp lần thứ 30 Ủy ban kiểm soát đặc biệt (JCC), vốn được thành lập năm 1987, cùng thời điểm Liên Xô trước đây và Mỹ ký Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và ngắn (INF).

Trong thông báo chính thức, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tại cuộc họp, các bên tập trung thảo luận các vấn đề liên quan việc thực hiện nghĩa vụ của mình theo INF.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal của Mỹ cho biết đây là cuộc họp JCC đầu tiên trong suốt 16 năm qua, được coi là cơ hội để Nga và Mỹ trao đổi quan điểm cụ thể liên quan việc thực thi INF.

INF được ký tháng 12/1987 giữa Mỹ và Liên Xô, chính thức có hiệu lực sau đó nửa năm.

Hai bên cam kết tiêu hủy hoàn toàn các chủng loại tên lửa tầm trung (tầm bắn 1.000-5.500km) và tầm ngắn (500-1.000km) cùng các thiết bị phụ trợ.

Theo thỏa thuận, việc tiêu hủy phải được thực hiện xong trước năm 1991 và từ đó đến năm 2001, hai bên tiến hành kiểm tra chéo. Tuy nhiên, các quốc gia khác, bao gồm các nước châu Âu, vẫn có thể sở hữu các loại tên lửa này.

Thời gian qua, Mỹ và Nga luôn khẳng định lập trường duy trì hiệu lực của văn kiện nhằm bảo đảm an ninh cho chính mình và thế giới, song kể từ tháng 7/2014, hai bên đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau về các hoạt động vi phạm INF.

Cụ thể, Washington cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước sau khi tiến hành vụ thử tên lửa hồi tháng 7/2014.

Mỹ khẳng định sẽ nghiên cứu áp đặt trừng phạt kinh tế Nga, tuy nhiên cho đến nay Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, trong khi Nga hoàn toàn phủ nhận cáo buộc này.

Ngược lại, Moskva cũng cáo buộc Mỹ vi phạm INF, sau khi Washington cho bố trí các hệ thống phóng tên lửa hành trình theo phương thẳng đứng Mk-41 tại Đông Âu.

Nga cho rằng việc Mỹ triển khai các hệ thống phóng tên lửa MK-41 là vi phạm INF, vì nó có thể được sử dụng để phóng các tên lửa đánh chặn SM-3 và cả tên lửa hành trình tầm trung Tomahawk./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.