Mỹ, Nhật Bản nhất trí sớm nối lại hội đàm an ninh theo thể thức "2+2"

Nhật-Mỹ nhất trí tăng cường quan hệ liên minh song phương vốn được cả hai bên nhìn nhận như nền tảng của hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Mỹ, Nhật Bản nhất trí sớm nối lại hội đàm an ninh theo thể thức "2+2" ảnh 1Máy bay Osprey tại căn cứ không quân Futenma của lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ ở tỉnh Okinawa, miền Nam Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 7/8, tân Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono​ đã gặp người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson​ tại thủ đô Manila (Philippines).

Tại cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50), hai ngoại trưởng đã nhất trí tăng cường quan hệ liên minh song phương vốn được cả hai bên nhìn nhận như nền tảng của hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Bên cạnh đó, hai bên nhất trí sớm tiến hành vòng hội đàm an ninh tiếp theo của các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước, theo thể thức “2+2.”

Các nguồn thạo tin trước đó cho biết vòng hội đàm có thể diễn ra vào khoảng ngày 17/8 tới. Nếu được tiến hành, đây sẽ là vòng hội đàm "2+2" đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1 năm nay.

[Nhật Bản đề nghị Mỹ hạn chế các chuyến bay của máy bay Osprey]

Cũng trong cuộc gặp này, tân Ngoại trưởng Nhật Bản đã yêu cầu phía Mỹ phải đảm bảo sự an toàn cho chiến dịch triển khai các máy máy bay vận tải CV-22 Osprey của Không quân Mỹ tại Nhật Bản sau khi một trong những máy bay này bị rơi tại vùng biển ngoài khơi Australia khiến 3 lính Mỹ mất tích.

Ông Kono yêu cầu phía Mỹ điều tra đầy đủ vụ việc, cung cấp thông tin và ngăn chặn nguy cơ tái diễn một tai nạn tương tự.

Trước đó, ngày 5/8, một máy bay vận tải MV-22 Osprey của lực lượng Lính thuỷ đánh bộ Mỹ đã bị rơi ngoài khơi Vịnh Shoalwater​, gần vùng Bắc Queensland​ của Australia.

23 trong tổng số 26 người trên máy bay đã được cứu sống, 3 người còn lại mất tích. Các máy bay Osprey được triển khai tại căn cứ không quân Futenma của lực lượng ​lính thủy đánh bộ Mỹ ở tỉnh Okinawa, miền Nam Nhật Bản.

Người dân địa phương đã phản đối hoạt động của máy bay này do lo ngại về những tai nạn gây chết người xảy ra với loại máy bay này ở nước ngoài.

Ngày 6/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết Nhật Bản đã đề nghị Mỹ hạn chế các chuyến bay của Osprey tại quốc gia này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.