Mỹ, Nhật, Trung cử phái đoàn dự lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc

Mỹ và Trung Quốc đang cân nhắc cử các nhân vật quan trọng tới dự lễ nhậm chức của ông Yoon Suk-yeol. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản được cho là người sẽ tham dự sự kiện này.
Mỹ, Nhật, Trung cử phái đoàn dự lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc ảnh 1Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol dự kiến bắt đầu lúc 11h00 ngày 10/5 (giờ địa phương), tại quảng trường phía trước trụ sở Quốc hội, phía Tây thủ đô Seoul.

Số lượng quan khách và người dân tham dự sự kiện ở mức cao kỷ lục với khoảng 41.000 người, bao gồm các nhà lãnh đạo chính trị, quan chức ngoại giao, đại diện các nghiệp đoàn và công dân Hàn Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đang cân nhắc cử các nhân vật quan trọng tới dự lễ nhậm chức của ông Yoon Suk-yeol, nhằm nêu bật tầm quan trọng của các mối quan hệ song phương với Hàn Quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được cho là sẽ không tham dự sự kiện, thay vào đó là Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, người có nhiều mối quan hệ với giới chức Hàn Quốc.

Cụ thể, Nhà Trắng ngày 4/5 đã chính thức công bố danh sách phái đoàn tham dự lễ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc. Trưởng phái đoàn là ông Douglas Emhoff, phu quân Phó Tổng thống Kamala Harris.

Quyết định của Nhà Trắng được đưa ra dựa trên việc cân nhắc lịch trình chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Tổng thống Joe Biden ngày 20/5, chỉ 10 ngày sau lễ nhậm chức.

Mỹ thường cử Ngoại trưởng hoặc Cố vấn an ninh quốc gia tới dự các lễ nhậm chức của Tổng thống của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, lần này Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nhiều khả năng sẽ tháp tùng ông Biden tới Seoul trong chuyến thăm sắp tới.

[Tổng thống đắc cử Hàn Quốc tuyên bố chính sách đối ngoại mới]

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của ông Emhoff thể hiện sự chân thành của Nhà Trắng đối với Hàn Quốc, bằng cách cử đi một nhân vật mang tính biểu tượng và là thành viên trong “gia đình Nhà Trắng.”

Theo thông lệ, Trung Quốc thường cử các quan chức cấp Phó Thủ tướng tới chúc mừng tân Tổng thống Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Ủy ban trù bị Lễ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc ngày 6/5 cho biết Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn sẽ tham dự sự kiện.

Ông Vương Kỳ Sơn, được xem là một trong những phụ tá thân cận nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham dự một buổi lễ nhậm chức tổng thống của Hàn Quốc.

Phái đoàn Nhật Bản nhiều khả năng sẽ do Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi dẫn đầu.

Theo truyền thông Nhật Bản, còn quá sớm để Thủ tướng Kishida tới Hàn Quốc, vì các vấn đề song phương còn tồn tại như lao động cưỡng bức thời chiến và nô lệ tình dục vẫn tiếp tục là những rào càn trong quan hệ giữa hai nước.

Trong trường hợp ông Kishida tham dự lễ nhậm chức và sau đó phía Hàn Quốc thay đổi thái độ, điều này chắc chắn sẽ khiến Thủ tướng Nhật Bản đối mặt với làn sóng chỉ trích trong nước.

Về phía lãnh đạo doanh nghiệp, lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hàn Quốc dự kiến có sự tham dự của: Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch LG Koo Kwang-mo và Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.