Mỹ nỗ lực hàn gắn quan hệ hai đồng minh tại Đông Bắc Á

Tổng thống Mỹ Obama đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ba bên tại La Hay, Hà Lan, trong nỗ lực hàn gắn quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mỹ nỗ lực hàn gắn quan hệ hai đồng minh tại Đông Bắc Á ảnh 1Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân diễn ra ở La Hay. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ba bên tại La Hay, Hà Lan, ngày 25/3 nhằm thuyết phục hai đồng minh quan trọng của Mỹ hợp tác để cùng đối phó với các thách thức an ninh tại Đông Bắc Á, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tại cuộc gặp, Tổng thống Obama khẳng định Washington bảo đảm “cam kết kiên định” đối với các mối quan ngại an ninh của Tokyo và Seoul trước một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Cam kết trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi có tin Triều Tiên bắn thử hai quả tên lửa đạn đạo.

Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh trong 5 năm qua, sự hợp tác chặt chẽ giữa ba nước đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ đến Triều Tiên về một phản ứng thống nhất trước các tình huống khẩn cấp trong khu vực.

Theo ông Obama, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng đối mặt với những thách thức chung và các bên sẽ tiếp tục tiếp xúc trên các cấp độ khác nhau.

Tổng thống Obama khẳng định cuộc gặp này là bước đi đầu tiên nhằm xây dựng các mối quan hệ hướng tới tương lai giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cùng quan điểm với Washington, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cho rằng cần có sự hợp tác quốc tế thống nhất trong việc đối phó với vấn đề hạt nhân vì đây là một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cao cuộc gặp, cho rằng đây là cơ hội dề tái khẳng định tầm quan trọng và sức mạnh của của sự hợp tác ba bên.

Tokyo nhấn mạnh vì cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh của Mỹ và cùng chia sẻ những lợi ích cũng như giá trị an ninh chung nên việc ba nước nhất trí hợp tác để giải quyết an ninh khu vực Đông Bắc Á, trong đó có vấn đề Triều Tiên, là điều cần thiết.

Tổng thống Mỹ cho biết ba nhà lãnh đạo đã thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác ba bên, trong đó bao gồm hợp tác quân sự như tiến hành tập trận chung và thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ông Obama đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh ba bên tại dinh thự Đại sứ Mỹ ở La Hay đã tạo dựng được một cơ sở vững chắc cho chuyến công du của ông đến Hàn Quốc và Nhật Bản trong tháng Tư tới.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye được đánh giá là một bước đột phá về ngoại giao trong nỗ lực cải thiện quan hệ song phương Nhật Bản-Hàn Quốc đang rơi vào giai đoạn căng thẳng nhất trong nhiều năm qua, bắt nguồn từ một số vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 2/2013, Tổng thống Park Geun-hye luôn từ chối ngồi vào bàn đàm phán với Thủ tướng Abe, đồng thời chỉ trích quan điểm cũng như thái độ của Nhật Bản đối với quá khứ chiến tranh.

Đáp lại, Nhật Bản cho rằng họ đã nhiều lần chính thức xin lỗi vào các năm 1993 và 1995 về những hành động tàn bạo của binh lính Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II, đồng thời viện dẫn đến hiệp ước 1965 về bình thường hóa quan hệ và đã bồi thường chiến tranh cho Seoul./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.