Mỹ quay lại Hiệp định Paris - liều thuốc chữa bách bệnh của thế giới?

Tháng 12/2020 đánh dấu kỷ niệm 5 năm ngày ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và chính quyền ông Biden dường như đã sẵn sàng gia nhập trở lại hiệp định đa phương này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng thehill.com đưa tin tháng 12/2020 đánh dấu kỷ niệm 5 năm ngày ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và chính quyền ông Biden dường như đã sẵn sàng gia nhập trở lại hiệp định đa phương này.

Điều quan trọng cần lưu ý là - dù quan trọng đến đâu - việc tham gia Hiệp định Paris không phải là liều thuốc chữa bách bệnh.

Viện Brookings đã chỉ ra rằng “Hiệp định Paris đã thành công nhờ thay đổi mô hình ngoại giao khí hậu.

Thỏa thuận đặt cược vào hiệu lực của các thông lệ và kỳ vọng ngày càng cao hơn là dựa vào luật để đạt được mục tiêu đề ra.”

Sức khỏe của hành tinh - lĩnh vực thực hành tương đối mới được định nghĩa là sức khỏe của nền văn minh nhân loại và tình trạng của hệ sinh thái tự nhiên mà sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào - cần phải là một mô hình định hướng mà các bên tham gia ký kết Hiệp định Paris có thể sử dụng để xác định các thông lệ mới về hợp tác và cam kết khí hậu.

Điều này sẽ giúp các bên ký kết vượt qua những rào cản cố hữu trong hiệp định, chẳng hạn như các thông lệ hướng dẫn việc chuyển sự thịnh vượng ở các nước thu nhập cao (chịu trách nhiệm lớn nhất về cuộc khủng hoảng khí hậu) sang các nước thu nhập thấp (dễ bị tổn thương nhất do các tác động của biến đổi khí hậu).

Sức khỏe của chúng ta gắn với nhau xuyên biên giới quốc gia. Ebola và virus corona đã thể hiện rõ điều này.

Tính toàn vẹn của các khu rừng từ Congo đến Borneo và Brazil ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn, dù bạn sống ở Jakarta, Johannesburg hay Jacksonville, Florida.

[Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: Cơ hội cho khí hậu Trái Đất]

Việc mất rừng nhiệt đới Amazon là một trong những nguyên nhân gây ra hạn hán và cháy rừng tái diễn ở California.

Ví dụ, việc áp dụng lăng kính sức khỏe hành tinh Xanh cho các khoản đầu tư liên quan đến vấn đề khí hậu vào các hệ thống y tế toàn cầu có thể là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi.

Các dịch vụ chăm sóc y tế trên toàn thế giới phần lớn bỏ qua các yếu tố mang tính quyết định về sinh thái và xã hội đối với sức khỏe con người: chất lượng của thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống và không khí chúng ta thở, kế sinh nhai và kinh tế hộ gia đình.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa sức khỏe là trạng thái toàn diện của sức khỏe về thể chất, xã hội và tinh thần bao hàm sự liên quan mật thiết với thiên nhiên.

Tuy nhiên, những hoạt động thực tiễn y tế toàn cầu trong một thế kỷ qua chỉ tập trung vào tỷ lệ mắc bệnh ở một loài, con người, chủ yếu ở trong môi trường chân không, bỏ qua sự phụ thuộc của chúng ta vào tự nhiên và các yếu tố sinh thái quyết định sức khỏe. Cũng trong thế kỷ đó, các hệ sinh thái mang lại sự sống trên (hành tinh) Trái Đất gần như đã sụp đổ.

Khi Mỹ chuẩn bị tham gia trở lại Hiệp định Paris và cam kết thực hiện các mục tiêu táo bạo, chúng tôi kêu gọi chính quyền Biden định hình cơ sở hạ tầng hệ thống y tế ở trong và ngoài nước dựa trên cách tiếp cận sức khỏe của Trái Đất.

Tin tốt là một ví dụ khởi sắc về một hệ thống chăm sóc y tế như vậy tồn tại để tạo cảm hứng và dẫn đường.

Trong một dự án được khởi động từ năm 2007 tại Borneo của Indonesia với sự hợp tác của giới chức chính phủ, các khoản đầu tư tài chính và kỹ thuật từ những nước có thu nhập cao đã thực hiện các giải pháp do cộng đồng thiết kế để giải quyết tình trạng phá rừng.

Nhờ những khoản đầu tư này, các cộng đồng đã ngăn chặn nạn khai thác gỗ tràn lan ở một khu rừng mưa nhiệt đới có khí hậu khắc nghiệt, đồng thời cải thiện sức khỏe của người dân và xóa đói giảm nghèo.

Cộng đồng kết luận rằng họ có thể ngừng khai thác gỗ bằng cách tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng, giá cả phải chăng và được đào tạo về nông nghiệp hữu cơ và quản lý doanh nghiệp nhỏ.

Tổ chức Health In Harmony đã xây dựng một trung tâm y tế hoàn toàn do người Indonesia quản lý và tạo điều kiện cho cộng đồng được làm việc với các nông dân hữu cơ chuyên nghiệp đến từ đảo Java lân cận.

Điều này giúp cộng đồng bản địa có kế sinh nhai mới và không còn phải mua phân bón hóa học tốn kém cũng như di chuyển đến các cơ sở y tế kém chất lượng, xa xôi.

Dân làng được giảm phí chăm sóc y tế dựa trên tỷ lệ khai thác gỗ của họ và bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe với các lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt, mà có thể thay bằng cây giống được sử dụng để tái trồng rừng. (Năm ngoái, khoảng 22.000 cây giống đã được bệnh nhân sử dụng để chi trả cho nhu cầu chăm sóc y tế của họ).

Và phương pháp tiếp cận sức khỏe hành tinh này đang hoạt động rất tốt. Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ gần đây đã công bố phân tích của Đại học Stanford về tác động của chương trình này trong 10 năm qua.

Trong giai đoạn 2007-2017, sáng kiến này đã giúp giảm 67% tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trong tổng số 120.000 người sử dụng dịch vụ tại trung tâm y tế, và đã giảm đáng kể các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh sốt rét, bệnh lao, các bệnh nhiệt đới, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và tiểu đường. Các hộ gia đình khai thác gỗ giảm 90%, việc tàn phá rừng cổ thụ đã chấm dứt....

Việc làm này thể hiện một khuôn khổ hành động dành cho các chính phủ vừa hỗ trợ tài chính, vừa đồng thời đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc - như đã nêu trong Hiệp định Paris - liên quan đến xóa đói giảm nghèo, bảo tồn thiên nhiên và cải thiện sức khỏe con người.

Những kết quả này đã được Liên hợp quốc ghi nhận, qua việc trao Giải thưởng Hành động vì Khí hậu Toàn cầu cho Health In Harmony do thành tích của tổ chức này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hiện có một hy vọng mới khi Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris và quả thực giờ là thời điểm cho một cuộc cách mạng. Sức khỏe của hành tinh chúng ta cần điều đó.

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kế hoạch trị giá 2.000 tỷ USD của Tổng thống đắc cử Joe Biden cho cuộc cách mạng năng lượng sạch là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, chúng ta phải vươn xa hơn tính toán về lượng khí thải carbon và tổ chức lại các mô hình mà xã hội và hệ thống y tế của chúng ta đang vận hành.

Giờ là lúc các chính phủ ký kết Hiệp định Paris áp dụng tư duy sức khỏe hành tinh, hành động dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau của con người với thiên nhiên và xây dựng các hệ thống chăm sóc y tế thông minh hơn như hệ thống ở Borneo. Đó là cách để Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có thể ổn định được khí hậu của hành tinh chúng ta./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục