“Mỹ quyết tâm trở thành một đối tác trong thành công của châu Phi, một đối tác tốt, công bằng và lâu dài,” đó là lời phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước gần 50 nhà lãnh đạo và nguyên thủ các nước châu Phi tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ nhất, một sự kiện "chưa từng có" vừa diễn ra ở Washington.
Với các cam kết đầu tư và hỗ trợ tài chính của Mỹ dành cho châu Phi lên tới 37 tỷ USD, hội nghị với trọng tâm thương mại và đầu tư này nhắm tới việc tăng cường quan hệ giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong những khu vực tăng trưởng nhanh và năng động hàng đầu thế giới, cũng như đánh dấu sự trở lại của Mỹ trong việc giành lại vị thế tại “lục địa Đen” trước Trung Quốc và châu Âu.
Đầu tư vào thế hệ tương lai
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần đầu tháng Tám tại Washington là dịp để Mỹ thể hiện những cam kết bằng lời nói và hành động cụ thể bằng tài chính “vì sự phát triển của châu Phi” đồng thời, nó cũng thể hiện quyết tâm của Mỹ trong việc làm sâu sắc thêm và thắt chặt quan hệ giữa hai bên.
Vì hội nghị có chủ đề “Đầu tư vào thế hệ tương lai,” nên thế hệ tương lai được coi là cốt lõi trong trách nhiệm và hành động của chính phủ các nước châu Phi. Hội nghị thượng đỉnh lần này đã mang tới một cơ hội để thảo luận các cách thức để thúc đẩy tăng trưởng, “giải phóng” các cơ hội và tạo một môi trường cho thế hệ tương lai.
Sau ba ngày họp, hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi kết thúc với “cơn mưa kiểu đầu Xuân” các cam kết đầu tư và hỗ trợ tài chính lên tới 37 tỷ USD, trong đó 14 tỷ USD là số tiền đầu tư, kinh doanh của các công ty Mỹ vào châu Phi, 12 tỷ USD đầu tư mới cho lĩnh vực điện, 7 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang châu Phi, và 4 tỷ USD là các khoản chi khác cho y tế, triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình, tăng cường khả năng thực thi luật pháp…
Có thể nói, đây là bước đi lớn đầu tiên tiến tới một tương lai quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn, dựa trên sự thành công của chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Obama hồi tháng 6/2013.
Giới phân tích cho rằng có thể cảm nhận được phần nào chủ đề của hội nghị và thiện ý của Mỹ qua các cam kết trên và nhất là số tiền 12 tỷ USD cho Sáng kiến Điện lực châu Phi, trong đó nhắm tới mục tiêu phát triển mạng lưới điện gồm thủy điện, nhiệt điện, phong điện và điện mặt trời. Cung cấp điện là vấn đề đau đầu với lãnh đạo các nước châu Phi, bởi ước tính khoảng 2/3 số người ở châu lục này (khoảng 600 triệu người dân) vẫn sống trong cảnh thiếu điện. Sáng kiến này hứa hẹn sau khi được triển khai sẽ cung cấp điện cho khoảng 60 triệu hộ gia đình và các doanh nghiệp châu Phi.
Cơ hội và thách thức cho châu Phi và Mỹ
Một trong những thách thức lớn với châu lục này là cung cấp đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu của người dân, các doanh nghiệp và các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, đổi lại lĩnh vực điện năng cũng là cơ hội và tiềm năng đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp Mỹ.
Giới phân tích đánh giá rằng mặc dù vốn được coi là điểm yếu của châu Phi nhất là xét về sản xuất và cung cấp điện, nhưng lĩnh vực năng lượng hứa hẹn mang lại cơ hội lớn nhất cho các công ty Mỹ. Trong khuôn khổ hội nghị lần này, tập đoàn General Electric của Mỹ đã cam kết đầu tư khoản tiền 2 tỷ USD để giúp phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo chuyên môn và phát triển chuỗi cung cấp tại lục địa này.
Bộ trưởng ngoại giao Ghana, Hanna Tetteh, nhấn mạnh: “Năng lượng thực sự một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi xét về mặt đầu tư mà châu Phi cần để trở thành một phần trên thị trường toàn cầu lớn hơn, cạnh tranh và hội nhập hơn.”
Bên cạnh năng lượng, nhu cầu về viễn thông và nông nghiệp cũng hai địa chỉ lý tưởng cho đầu tư của các công ty Mỹ. Bà Tetteh cho biết châu Phi là thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, châu Phi cũng có diện tích đất chưa canh tác và khai hoang rất lớn. Với sự hỗ trợ và đầu tư hợp lý vào lĩnh vực nông nghiệp, châu Phi sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực cho châu lục này.
Một cơ hội nữa là câu chuyện kinh doanh thành công tại đây sẽ mang lại lòng tin cho nhiều nước khác đầu tư vào châu Phi. Điều mà Mỹ quan tâm nhất tại châu Phi có lẽ là tài nguyên hay nguồn nguyên liệu. Một số tập đoàn dầu khí Mỹ hiện đã thâm nhập vào trường châu Phi. Nigeria và Angola xuất khẩu hơn 50% dầu mỏ sang Mỹ.
Tuy nhiên, một số công ty trong các lĩnh vực khác còn do dự khi cân nhắc đầu tư vào châu lục nhiều bất ổn địa-chính trị, hệ thống pháp luật thiếu minh bạch. Chính vì thế sự thành công của các doanh nghiệp Mỹ sẽ khuyến khích cũng như mở đường cho nhiều doanh nghiệp khác của Mỹ và các nước khác đến làm ăn, kinh doanh tại đây.
Trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh lần này thiên về kinh tế và đầu tư. Điều này phần nào lý giải cho việc Diễn đàn doanh nghiệp Mỹ-châu Phi xét ở góc độ nào đó lại là yếu tố rất quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất tại hội nghị, với các thương hiệu lớn cam kết đầu tư vào châu Phi.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ nhất hy vọng là cơ hội tuyệt vời giúp các doanh nghiệp Mỹ nhận thức được tiềm năng và cơ hội từ châu Phi, từ thực tế rằng châu lục này có đà tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu khổng lồ và từ việc "lục địa Đen" còn nhiều tiềm năng và thị trường chờ được khai phá. Nhịp độ tăng trưởng của châu Phi hiện bỏ xa nhịp độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, châu lục này sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm 2014 và 5,8% năm 2015.
Sự trở lại của Mỹ và thách thức “Trung Quốc”
Theo mạng tin New America Media, việc Mỹ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi tuy muộn màng nếu so với Trung Quốc trong cuộc đua giành lại vị thế tại châu Phi. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nếu đi đúng hướng, Mỹ có cơ đuổi kịp và thậm chí vượt Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng các cam kết đầu tư và hỗ trợ tài chính của Mỹ trị giá hàng chục tỷ USD vừa qua cũng có thể coi là “thách thức mở màn" của Mỹ trước Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù từng là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, nhưng Mỹ đã để tuột mất vị trí này cách đây 5 năm.
Trong khi đó, từ năm 2005, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi tăng gấp 30 lần và đến năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại ưu tiên của châu Phi. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi sau Trung Quốc và EU. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-châu Phi năm 2013 đạt 60 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với lần lượt hơn 200 tỷ USD và 170 tỷ USD của Trung Quốc và EU.
Đầu năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm một số nước châu Phi nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại với châu lục này. Trung Quốc xem ra được các nhà lãnh đạo châu Phi đón chào nồng nhiệt, bởi ngoài việc khai thác tài nguyên của châu Phi, Trung Quốc đã “đánh trúng tâm lý” của châu lục này khi giúp phát triển nhiều lĩnh vực, nhất là về cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo tờ Les Echos (Pháp), sự hiện diện của Trung Quốc cũng gặp phải nhiều hạn chế do ngày càng nhiều tiếng nói phản đối hành động sai trái của Bắc Kinh trong quá trình vận hành tại đây. Tâm điểm là hai vụ tham nhũng tại Nigeria và Zambia cộng thêm cẳng thẳng giữa người lao động địa phương và người Trung Quốc
Có thể nói, Mỹ đang tràn đầy quyết tâm trở thành một đối tác trong sự thành công của châu Phi “chứ không chỉ thuần túy nhòm ngó nguồn tài nguyên phong phú của châu lục này.”
Các cụm từ thường được dùng trong thời gian qua khi người ta đề cập đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi là “lịch sử,” “bước ngoặt,” “chưa từng có” hay “thời điểm quyết định” cũng phần nào cho thấy đây là cột mốc lớn nhất trong quan hệ Mỹ-châu Phi kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Hội nghị dường như đã thể hiện một sự thay đổi quan trọng theo hướng đi vào chất lượng và tiến tới một quan hệ đối tác bình đẳng hơn./.