Mỹ tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

Washington cho rằng đối thoại và ngoại giao là phương thức hiệu quả nhất giúp đạt được mục tiêu bao trùm đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Mỹ tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên ảnh 1Cờ Mỹ và Triều Tiên. (Nguồn: Reuters)

Mỹ vẫn cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên thông qua ngoại giao và đối thoại.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định nước này không có ý định thù địch với Triều Tiên.

Washington cho rằng đối thoại và ngoại giao là phương thức hiệu quả nhất giúp đạt được mục tiêu bao trùm đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. 

Bên cạnh đó, ông Price cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc hợp tác với hai đồng minh trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa phóng 2 vật thể bay được cho là tên lửa hành trình. Đây là vụ phóng thứ 5 của nước này trong năm 2022. Hiện Bình Nhưỡng chưa đưa ra tuyên bố nào về vụ phóng mới nhất. 

[Tổng Thư ký LHQ hối thúc đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên]

Việc phóng tên lửa hành trình không trực tiếp vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

Giới phân tích nhận định những màn "phô trương sức mạnh" của Triều Tiên từ đầu năm tới nay nhằm chuyển tải cả thông điệp quân sự lẫn chính trị, trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không đạt bước tiến cụ thể nào kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức cách đây một năm.

Loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cũng được cho là nằm trong kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia của Bình Nhưỡng, đồng nghĩa với tăng cường năng lực tự chủ nhằm giải quyết những thách thức bên trong và bên ngoài cản trở sự tiến bộ của đất nước, như lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên diễn ra tháng 1/2021.

Triều Tiên nhiều lần khẳng định chìa khóa để thiết lập mối quan hệ mới giữa nước này và Mỹ cũng như nối lại đàm phán hạt nhân là Washington phải từ bỏ "chính sách thù địch" đối với Bình Nhưỡng, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.