Mỹ tái khẳng định ủng hộ Nhật trong tranh chấp với Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tái khẳng định rằng quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Nhật. 

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 27/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tái khẳng định rằng quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Nhật. 

Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết ông Hagel đã "ca ngợi việc Chính phủ Nhật Bản kiềm chế đúng mức" sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ trên, đồng thời cam kết tham vấn chặt chẽ với Tokyo nhằm tránh những vụ việc ngoài ý muốn xung quanh quần đảo này.

Hôm 26/11, hai máy bay B-52 của Mỹ đã bay vào vùng không phận tranh chấp này mà không thông báo với Bắc Kinh, thách thức tuyên bố của Trung Quốc.

Theo AFP, các chuyến bay này gửi đi lời cảnh báo rõ ràng rằng Washington sẽ không nhượng bộ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh ở vùng này. Động thái này cũng là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ với Nhật Bản, nước đang có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc vì tranh chấp chủ quyền đảo trên biển Hoa Đông.

Trong khi đó, các quan chức chính quyền Mỹ cấp cao ngày 27/11 cho biết Phó Tổng thống Joe Biden sẽ nêu “những quan ngại” của Washington với Bắc Kinh về động thái thiết lập Vùng nhận dạng Phòng không (ADIZ) trong chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới.

Phát biểu với các phóng viên AFP qua điện thoại, một quan chức Mỹ nêu rõ ông Biden sẽ nói với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc rằng “động thái trên đang khiến các quốc gia láng giềng của Trung Quốc lo ngại và làm dấy lên các câu hỏi về cách thức Trung Quốc hoạt động trên không phận quốc tế cũng như cách thức nước này xử lý bất đồng với các nước lân bang”. 

Theo quan chức trên, chuyến thăm của ông Biden là cơ hội để làm rõ các ý định của Trung Quốc trong vấn đề này.

Theo kế hoạch, ông Biden sẽ thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong chuyến công du Đông Bắc Á kéo dài 1 tuần. 

Dự kiến, Phó Tổng thống Mỹ sẽ tìm cách làm hạ nhiệt căng thẳng vốn leo thang sau khi Trung Quốc yêu cầu các phi cơ bay gần quần đảo tranh chấp cần phải khai báo với cơ quan chức năng nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.