Ngày 1/5, đại diện Mỹ và phiến quân Taliban bắt đầu vòng đàm phán mới tại thủ đô Doha, Qatar, nhằm tìm kiếm giải pháp kiến tạo hòa bình ở Afghanistan.
Người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid xác nhận vòng hòa đàm thứ 6. Phía Đại sứ quán Mỹ tại Kabul không đưa ra bình luận, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ từng thông báo đặc phái viên về Afghanistan của nước này Zalmay Khalilzad sẽ tới Doha trong tháng 5 để gặp gỡ đại diện Taliban.
Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin phái đoàn đàm phán của Mỹ sẽ tập trung vào mục tiêu là một thỏa thuận ngừng bắn để mở đường chấm dứt tình trạng xung đột. Tuy nhiên, phía Taliban được cho là sẽ ưu tiên yêu cầu Mỹ rút quân khỏi quốc gia này.
Mỹ hiện duy trì khoảng 14.000 quân tại Afghanistan tham gia nhiệm vụ do NATO đứng đầu nhằm huấn luyện và hỗ trợ lực lượng an ninh chính phủ Afghanistan trong cuộc chiến chống các tay súng Taliban và các tổ chức khủng bố như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và al-Qaeda.
Từ tháng 10/2018, hai bên từng gặp nhiều lần để thảo luận về việc thiết lập một thỏa thuận hòa bình cho Afghanistan trong đó Taliban cam kết không biến Afghanistan thành "thiên đường khủng bố" đổi lại các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi quốc gia này. Đặc phái viên Khalilzad từng cho biết hai bên đã bước đầu vạch ra một thỏa thuận sơ bộ về tiến trình rút lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu ra khỏi Afghanistan, đổi lại phía Taliban đảm bảo các nhóm tay súng cực đoan sẽ không được phép sử dụng Afghanistan làm bàn đạp để tấn công các quốc gia khác.
Việc Chính phủ Afghanistan chưa từng tham gia các cuộc đàm phán này đồng nghĩa với việc nếu Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 năm tại quốc gia này và một lộ trình rút quân cụ thể thì phe phiến quân vẫn phải ký một hiệp ước với chính giới Afghanistan và các tộc trưởng trước khi một giai đoạn ngừng bắn lâu dài được kích hoạt.
Reuters dẫn nguồn một quan chức thân cận với ông Khalilzad cho biết đặc phái viên Mỹ mong muốn khuyến khích Taliban tham gia vào các cuộc đối thoại nội bộ với chính quyền và các phe phái tại Afghanistan nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc chiến kéo dài suốt 17 năm qua tại quốc gia này.
Hồi tuần trước, Trung Quốc và Nga cũng lên tiếng bày tỏ ủng hộ kế hoạch thiết lập một thỏa thuận hòa bình Afghanistan của Mỹ và nhấn mạnh cần phải có các cuộc đối thoại nội bộ với sự tham gia của tất cả các bên ở Afghanistan./.