Trong nỗ lực giúp Liberia đối phó với dịch bệnh Ebola, ngày 3/10, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến nâng số binh sỹ được triển khai tới quốc gia Tây Phi này lên lên 4.000 người, tăng 1.000 binh sỹ so với kế hoạch ban đầu.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết con số trên chỉ là dự kiến vì số binh sỹ được triển khai sẽ dựa trên nhu cầu thực tế.
Theo ông Kirby, trong vài tuần tới, khoảng 1.800 binh sỹ Mỹ, bao gồm các kỹ sư, chuyên gia y tế và hàng không, sẽ tới châu Phi. Như vậy, cùng với 1.400 binh sỹ Mỹ đã lên đường tới thủ đô Monrovia của Liberia hồi đầu tháng này, tổng số binh sỹ Mỹ tới Liberia và các nước láng giềng sẽ tăng lên 3.200 binh sỹ trong thời gian tới.
Hiện Mỹ đã thành lập hai phòng thí nghiệm xét nghiệm virus Ebola với khả năng kiểm tra 100 mẫu mỗi ngày. Việc xây dựng hai trung tâm điều trị cho các bệnh nhân Ebola cũng đã được triển khai và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10.
Trong khi đó, một bệnh viện ở thủ đô Washington (Mỹ) thông báo đang điều trị cho một bệnh nhân nhập viện với những triệu chứng tương tự Ebola. Nếu được xác nhận, đây sẽ là bệnh nhân Ebola thứ hai được chẩn đoán ở Mỹ. Bệnh nhân này vừa từ Nigeria về Mỹ và hiện chưa xác định được rõ danh tính. Sức khỏe của bệnh nhân vẫn ổn định và đang được cách ly tại bệnh viện Đại học Howard.
Trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên được chẩn đoán tại Mỹ là một người đàn ông quốc tịch Liberia, hiện đang được điều trị ở bệnh viện quận Dallas thuộc bang Texas.
Giới chức y tế bang này đã giảm số người cần theo dõi do từng tiếp xúc với bệnh nhân này xuống còn 50 người, trong đó có 10 người nằm trong diện có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số bệnh nhân tử vong do virus Ebola đã tăng lên 3.439 người, trong đó số người thiệt mạng ở Liberia cao nhất với 2.069 người tính đến ngày 30/9, tiếp đến là Guinea với 739 người và Siera Leone với 623 người. Tổng số người nhiễm bệnh là 7.492 trường hợp.