Ngày 25/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp thành lập Hội đồng chỉ đạo thực hiện Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Hội đồng gồm 16 thành viên, bao gồm các Bộ trưởng trong chính quyền và các cố vấn cấp cao của Nhà Trắng.
Hội đồng này sẽ do người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia (NEC) Brian Deese, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và Quyền Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ (OSTP) Alondra Nelson đồng chủ trì.
[Trung Quốc kiên quyết phản đối Đạo luật Khoa học và CHIP của Mỹ]
Các thành viên khác của hội đồng còn có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.
Theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden, Hội đồng trên sẽ có vai trò điều phối xây dựng chính sách nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Đạo luật Khoa học và CHIPS.
Sắc lệnh đưa ra 6 ưu tiên để xây dựng tiến trình thực hiện gồm: bảo vệ tiền thuế của người dân; đáp ứng các yêu cầu kinh tế và an ninh quốc gia; đảm bảo sự lãnh đạo lâu dài trong ngành bán dẫn; tăng cường và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và sản xuất trong khu vực; tạo thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân; và tạo lợi ích cho các cộng đồng và đối tượng liên quan.
Bộ Thương mại cũng lập trang web CHIPS.gov nhằm thông tin đến công chúng về tiến trình thực hiện Đạo luật Khoa học và CHIPS.
Đạo luật CHIPS và Khoa học được Tổng thống Biden ký ban hành ngày 9/8, bao gồm khoản trợ cấp hơn 50 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn - vốn được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ ôtô và vũ khí công nghệ cao đến các thiết bị công nghệ và trò chơi điện tử.
Văn kiện này được đưa ra nhằm tăng cường việc sản xuất chất bán dẫn trong nước về lâu dài để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Ngoài ra, đạo luật cũng sẽ “rót” 200 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.
Tổng thống Biden cho biết đạo luật này sẽ giúp nước Mỹ giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh về kinh tế trong thế kỷ 21./.