Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi lãnh đạo Iran cùng đàm phán về việc Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Trump cũng đồng thời cảnh báo Washington không loại trừ giải pháp quân sự.
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã từ chối công bố lý do Washington quyết định triển khai nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, ông khẳng định có mối đe dọa lớn buộc chính quyền phải có các động thái chuẩn bị để đảm bảo an ninh quốc gia cũng như an ninh của nhiều nơi khác trên thế giới.
[Căng thẳng Mỹ-Iran: Thùng thuốc súng Trung Đông sắp bùng nổ?]
Về nguy cơ đối đầu quân sự tại khu vực khi Mỹ hiện diện quân sự tại đây, Tổng thống Trump hy vọng điều đó sẽ không xảy ra.
Sau khi đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran và các nước còn lại trong nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) từ tháng 5/2018, Tổng thống Trump luôn bày tỏ sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran để đàm phán.
Ông cũng nhắc lại quan điểm này trong cuộc họp báo kể trên. Ông khẳng định chỉ cần Iran có thiện chí, hai bên có thể đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận "công bằng."
Tuy nhiên, đánh giá về những bình luận trên, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchicho nêu rõ Tehran đã đàm phán với sáu cường quốc và đạt thỏa thuận, nhưng Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận. Vì vậy, không có gì bảo đảm Nhà Trắng sẽ không tiếp tục có các động thái tương tự sau này.
Trước đó, ngày 8/5, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng kim loại công nghiệp của Iran, gồm sắt, thép, nhôm và đồng.
Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Iran tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Trước đó, Iran đã cảnh báo sẽ “từng bước” rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nếu các quyền và lợi ích của nước này không được đảm bảo theo thỏa thuận đã ký sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5/2018 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran./.