Mỹ thừa nhận khó xác định nguy cơ sau khi rút quân khỏi Afghanistan

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh: “Không có gì phải bàn cãi rằng việc Mỹ rút quân sẽ khiến việc xác định và giải quyết các mối đe dọa từ khu vực trở nên khó khăn hơn."
Mỹ thừa nhận khó xác định nguy cơ sau khi rút quân khỏi Afghanistan ảnh 1Binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ tại Sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 7/9 cho rằng sẽ rất khó để xác định các mối đe dọa từ khu vực sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Doha của Qatar, Bộ trưởng Lloyd Austin nhấn mạnh: “Không có gì phải bàn cãi rằng (việc Mỹ rút quân) sẽ khiến việc xác định và giải quyết các mối đe dọa từ khu vực trở nên khó khăn hơn."

Tuy nhiên, ông khẳng định cam kết sẽ không để các mối đe dọa được phép phát triển và tạo ra những thách thức đáng kể cho nước Mỹ.

Ông Austin tuyên bố Mỹ có khả năng mạnh mẽ trong khu vực và đang tìm cách phát triển lực lượng của mình mỗi ngày.

Liên quan đến thành phần chính phủ lâm thời mà Taliban vừa công bố, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại của Washington về một số thành viên, song sẽ đánh giá chính phủ mới thông qua hành động, trong đó có chính sách cho phép những người Afghanistan tự do rời khỏi đất nước.

[Mỹ chưa vội công nhận chính phủ lâm thời của Taliban tại Afghanistan]

Quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu rằng Taliban đã giới thiệu bản danh sách này trong vai trò của một nội các lâm thời. Tuy vậy, chúng tôi sẽ đánh giá Taliban thông qua những hành động của họ, mà không phải thông qua những lời nói."

Trước đó, Nhà Trắng cũng cho biết Chính phủ Mỹ chưa vội công nhận chính phủ lâm thời do Taliban mới thành lập. Trong danh sách nội các do Taliban công bố có ông Sirajuddin Haqqani (được bổ nhiệm giữ chức quyền Bộ trưởng Nội vụ), người có quan hệ với mạng lưới Haqqani mà Washington liệt là một nhóm khủng bố.

Trong khi đó, lãnh đạo tôn giáo tối cao của Taliban Hibatullah Akhundzada thông báo chính phủ mới do Taliban thành lập sẽ sớm đi vào hoạt động.

Ông Akhundzada cũng yêu cầu chính phủ mới bảo vệ luật Hồi giáo. Đây là thông điệp đầu tiên của ông Akhundzada kể từ khi phong trào theo đường lối cứng rắn này giành quyền kiểm soát Afghanistan.

Trong diễn biến liên quan, trong cuộc điện đàm ngày 7/9 với cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian khẳng định Tehran sẽ duy trì tình trạng thông suốt tại các cửa khẩu và tiếp tục hoạt động giao thương với Afghanistan.

Ngoại trưởng Abdollahian nhấn mạnh “chính sách mang tính nguyên tắc” của Iran liên quan đến Afghanistan dựa trên cuộc đối thoại giữa tất cả các phe phái ở nước láng giềng và tiến trình thành lập một chính phủ bao trùm với sự tham gia của các sắc tộc và nhóm dân cư của Afghanistan.

Quan chức Iran nêu rõ: “Chỉ bằng cách này, Afghanistan mới có thể đạt được mục tiêu hòa bình lâu dài."

Về phần mình, cựu Tổng thống Karzai cho biết những nhân vật quan trọng của Afghanistan sẽ nỗ lực hết sức để đưa đất nước vượt qua tình trạng hiện tại, với mục tiêu thực hiện nguyện vọng của người dân Afghanistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.