Mỹ thúc đẩy nỗ lực ngoại giao cuối cùng dưới thời Tổng thống Joe Biden

Chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden ngày 8/11 đã xúc tiến giải pháp ngoại giao nhằm đạt được các thỏa thuận chấm dứt tình trạng xung đột của Israel ở Dải Gaza và Liban.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington DC. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington DC. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden ngày 8/11 đã xúc tiến giải pháp ngoại giao nhằm đạt được các thỏa thuận chấm dứt tình trạng xung đột của Israel ở Dải Gaza và Liban, thông qua những cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Antony Blinken với những người đồng cấp Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.

Giới chức Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Biden sẽ thực hiện nỗ lực thúc đẩy cuối cùng để đạt được các thỏa thuận chấm dứt xung đột, mặc dù không rõ Washington hiện nắm giữ bao nhiêu đòn bẩy đối với Israel và các nhân tố khác trong khu vực, vốn đang tập trung vào chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, trong các cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định mong muốn xuyên suốt của chính quyền Biden là đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza càng sớm càng tốt và giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Israel - Hezbollah ở Liban, cũng như thảo luận về tình hình nội chiến ở Sudan.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Saudi Arabia-Hoàng tử Faisal bin Farhan bin Abdullah, ông Blinken đã bàn về “những nỗ lực nhằm đảm bảo mục tiêu trả tự do cho con tin và thiết lập lộ trình phía trước để cho phép người Palestine ở Gaza xây dựng lại cuộc sống, cũng như thúc đẩy quản trị, an ninh và công cuộc tái thiết.”

Với người đồng cấp Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan của UAE, Ngoại trưởng Blinken “đã thảo luận về những nỗ lực đạt được giải pháp ngoại giao tại Liban, tạo điều kiện cho dân thường ở cả hai bên Đường Xanh được trở về nhà.”

Hôm 7/11, ông Blinken cũng đã trao đổi với Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot về cả hai nỗ lực trên.

Cũng trong ngày 8/11, một quan chức cấp cao yêu cầu giấu tên trong chính quyền Mỹ tiết lộ Washington đã yêu cầu Qatar đóng cửa Văn phòng chính trị của Hamas ở nước này sau khi phong trào Hồi giáo này bác bỏ đề xuất mới nhất về thỏa thuận ngừng bắn và trả tự do cho các con tin.

Quan chức Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi đã nêu rõ quan điểm đó với Qatar sau sự bác bỏ của Hamas đối với một thỏa thuận phóng thích con tin khác trong những tuần trước.”

Theo quan chức Mỹ, phía Qatar đã đưa ra yêu cầu trục xuất đối với Hamas khoảng 10 ngày trước đây. Washington đã trao đổi và nhấn mạnh với Doha rằng hiện giờ chính là thời điểm đóng cửa Văn phòng chính trị của Hamas.

Tuy nhiên, 3 quan chức của Hamas đã phủ nhận thông tin về việc Qatar trục xuất các nhà lãnh đạo của phong trào này. Hiện cũng không rõ liệu Qatar có đưa ra thời hạn cụ thể để các nhà lãnh đạo Hamas rời khỏi quốc gia Trung Đông này hay không.

Qatar, cùng với Mỹ và Ai Cập, đóng vai trò quan trọng trong những vòng đàm phán đến nay vẫn không mang lại kết quả nhằm làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và trả tự do cho các con tin đang bị Hamas giam giữ ở vùng lãnh thổ của Palestine./.

Tin cùng chuyên mục