Mỹ tiến hành nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của phi công

Sau vụ rơi máy bay của hãng hàng không Germanwings, giới chức hàng không Mỹ thông báo sẽ tiến hành một cuộc nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của các phi công Mỹ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: defense.gov)

Sau vụ rơi máy bay của hãng hàng không Germanwings (Đức) hồi tháng Ba, ngày 27/5, giới chức hàng không Mỹ thông báo sẽ tiến hành một cuộc nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của các phi công Mỹ và kết quả nghiên cứu này có thể sẽ thay cách đánh giá các phi công đủ điều kiện bay.

Theo Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA), nghiên cứu sẽ do một ủy ban tiến hành, trong đó có các quan chức của chính phủ Mỹ và nước ngoài, các chuyên gia hàng không và các chuyên gia về y học không gian.

Ủy ban này sẽ xem xét các vấn đề sức khỏe tâm thần và tình cảm, cũng như các phương pháp được sử dụng để đánh giá các vấn đề này đối với phi công Mỹ và các rào cản trong việc phát hiện các vấn đề sức khỏe này.

Dự kiến, ủy ban này sẽ công bố kết quả nghiên cứu và đưa ra các kiến nghị sau trong vòng sáu tháng tới. Dựa trên đánh giá của các chuyên gia, FAA sẽ cân nhắc thay đổi chính sách y tế, thiết kế máy bay cũng như việc huấn luyện và kiểm tra phi công. Theo quy định hàng không hiện tại của Mỹ, mỗi phi công phải kiểm tra sức khỏe định kỳ sau mỗi 6 hoặc 12 tháng tùy theo độ tuổi.

Cuộc nghiên cứu trên được FAA tiến hành sau vụ rơi máy bay của hãng hàng không Germanwings ở Pháp hồi cuối tháng Ba, khiến 150 người trên máy bay thiệt mạng, nguyên nhân vụ việc được xác định là do phi công phụ của chuyến bay này tự sát sau một thời gian dài bị trầm cảm.

Năm 2014, máy bay MH370 của hãng hãng không Malaysia mất tích khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh mang theo 239 người, cho đến nay vẫn chưa thể tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ nào của chiếc máy bay này. Các nhà điều tra cho rằng nguyên nhân vụ việc một phần bắt nguồn từ hành động của phi công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục