Nhằm tránh nguy cơ chính phủ phải tạm ngừng hoạt động do thiếu kinh phí vì Quốc hội lưỡng viện Mỹ chưa thể phê chuẩn dự thảo ngân sách mới cho tài khóa tới, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật tình thế, cho phép gia hạn cấp ngân sách cấp cho các cơ quan chính phủ trong tài khóa hiện tại đến ngày 11/12 tới.
Cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục này diễn ra ngày 28/9 và nhận được 77 phiếu thuận, 19 phiếu chống tại Thượng viện 100 ghế. Dự kiến dự luật chính thức sẽ được Thượng viện bỏ phiếu trong ngày 30/9. Để có hiệu lực, văn kiện này cần được Hạ viện phê chuẩn và Tổng thống Barack Obama ký ban hành.
Ngoài việc gia hạn cấp ngân sách cho các cơ quan công quyền, dự luật cũng nói "Không" với các nghị sỹ Cộng hòa vốn kiên quyết phản đối bất cứ kế hoạch nào tài trợ cho tổ chức y tế ủng hộ việc phá thai "Planned Parenthood". Giải pháp mang tính tình thế này là cần thiết vì tài khóa hiện nay của Mỹ sẽ kết thúc vào ngày 30/9.
Theo luật định, sau thời điểm này, nếu Quốc hội lưỡng viện Mỹ không đạt được đồng thuận về ngân sách tài khóa 2016 thì một số cơ quan chính phủ của Mỹ phải tạm ngừng hoạt động do không có kinh phí.
Mâu thuẫn chính nằm ở chỗ các nghị sỹ Cộng hòa vẫn kiên quyết phản đối bất cứ kế hoạch nào kèm theo việc tiếp tục tài trợ cho tổ chức y tế ủng hộ việc phá thai "Planned Parenthood". Bất chấp điều này, các nghị sỹ Dân chủ lại khẳng định sẽ ngăn chặn mọi dự luật chống lại tổ chức này.
Dự toán ngân sách cho tài khóa 2016 được Tổng thống Obama công bố hồi tháng 2, theo đó Chính phủ Mỹ sẽ chi 4.000 tỷ USD cho năm tới, trong khi dự kiến thâm hụt ngân sách vào khoảng 474 tỷ USD.
Dự kiến, Tổng thống Obama sẽ tăng chi ngân sách cho các chương trình nội địa như xây dựng cầu đường.
Chính quyền Obama cũng sẽ thu về 2.000 tỷ USD tiền thuế trong 10 năm tới bằng việc đánh thuế cao hơn đối với tầng lớp giàu có, các doanh nghiệp và người hút thuốc lá.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa chỉ trích kế hoạch tăng chi tiêu nội địa và cải cách thuế của Nhà Trắng sẽ chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong khi không khắc phục được vấn đề lớn nhất là chi tiêu ngày một tăng cao của chính phủ.
Giới quan sát nhận định việc Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ khiến hàng triệu người mất lương và gây nên tình trạng hỗn loạn kinh tế và tài chính.
Hồi năm 2013, việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong hai tuần đã khiến hàng trăm nghìn nhân viên liên bang nghỉ việc không lương, hàng loạt công viên quốc gia ngừng hoạt động, đồng thời gây thiệt hại kinh tế tới 24 tỷ USD./.