Mỹ "tố" các hãng bay vùng Vịnh cạnh tranh không lành mạnh

Ba hãng hàng không Mỹ đã cáo buộc ba hãng hàng không vùng Vịnh gồm Emirates, Etihad và Qatar Airways cạnh tranh không lành mạnh.
Biểu đồ thể hiện số tiền mà chính phủ UAE và Qatar có thể đã hỗ trợ ba hãng hàng không vùng Vịnh từ năm 2004. (Nguồn: Les Echos)

Ba hãng hàng không lớn nhất của Mỹ là United, Delta và American Airlines vừa phát động một chiến dịch cáo buộc gay gắt ba hãng hàng không vùng Vịnh là Emirates, Etihad và Qatar Airways là cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Báo Les Echos số ra ngày 9/3, bộ ba hãng hàng không của Mỹ vừa công bố một báo cáo cho thấy từ năm 2004, ba hãng hàng không lớn nhất vùng Vịnh gồm Emirates, Etihad và Qatar Airways đã được hưởng các khoản "tài chính mờ ám," "trợ cấp được che giấu" và đã có những "tuyên bố dối trá."

Tâm điểm của vụ tranh cãi này là khoản tiền hơn 40 tỷ USD có thể đã được chính phủ Qatar và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trợ cấp cho các hãng hàng không của mình trong suốt 10 năm qua nhằm chinh phục bầu trời đồng thời biến các thành phố Abu Dhabi, Dubai và Doha thành các trung tâm lớn thu hút khách quốc tế.

Theo báo cáo, Emirates đã trở thành hãng bay lớn nhất thế giới tính theo số hành khách quốc tế mà hãng đã chuyên chở và chỉ trong thời gian ngắn nữa là 3 hãng hàng không vùng Vịnh sẽ có số máy bay nhiều hơn toàn bộ số máy bay của tất cả các hãng hàng không Mỹ cộng lại.

Tốc độ phát triển trong 5 năm tới của 3 hãng sẽ cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của thế giới.

Như vậy, các hãng bay của Mỹ phải chia thị phần trên các đường bay cạnh tranh với các hãng Trung Đông. Thực tế là các thỏa thuận mở cửa bầu trời mà Mỹ đã ký với UAE và Qatar vào năm 2000 đã tạo thuận lợi cho các hãng bay vùng Vịnh trong việc khai thác các đường bay đến Mỹ từ Trung Đông, châu Âu, châu Á, và từ Australia theo tần suất và mức giá do họ lựa chọn.

Các hãng hàng này có thể cạnh tranh với các hãng hàng không Mỹ trên tất cả các đường bay, trừ các tuyến bay nội địa.

Rất nhanh, Emirates đã mở đường bay Milan-New York và khai thác cho đến tận khi các thẩm phán người Ý phán quyết yêu cầu dừng bay vào năm ngoái.

Richard Anderson, Tổng Giám đốc của công ty Delta Air Lines cho rằng hãng của ông "ủng hộ cạnh tranh, nhưng các khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ Qatar và UAE đã hủy hoại tinh thần của các hiệp định quốc tế."

Tuy mới ra đời được 10 năm, nhưng Etihad Airways đã có bước phát triển vượt bậc. Đây cũng là hãng chịu nhiều chỉ trích nhất.

Theo bản báo cáo, hãng Etihad Airways có thể đã tiếp nhận 17 triệu USD dưới hình thức các khoản trợ cấp được che giấu. Tiểu vương quốc Abu Dhabi (tiểu vương quốc lớn nhất nằm trong UAE) có thể đã cấp vốn 6 tỷ USD sau đó tăng gấp đôi khoản trợ cấp dưới hình thức cho vay với lãi suất 0%. Theo báo cáo, nếu không có khoản trợ cấp này, Etihad Airways có thể đã không còn tồn tại.

Ngoài ra, Tiểu vương quốc Abu Dhabi còn chi 3 tỷ USD để xây một sân bay mới đủ khả năng đón tiếp 30 triệu khách/năm, tương đương với lượng khách tại sân bay John Fitzgerald Kennedy của New York. Người được hưởng lợi nhiều nhất chắc chắn là hãng Etihad vì được khai thác các cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại sân bay.

Bên cạnh Etihad Airways, Qatar Airways cũng bị cáo buộc là được nhận trợ cấp 17 tỷ từ năm 2004. Chính phủ Qatar có thể đã cho hãng hàng không của mình vay nhiều khoản với tổng giá trị lên đến 7,5 tỷ USD mà không cần phải trả. Cho đến nay, các hãng hàng không vùng Vịnh vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc này.

Bộ ba công ty của Mỹ đang hy vọng thuyết phục chính phủ các nước vùng Vịnh hành động có ý thức và minh bạch. Nếu không, họ sẽ yêu cầu Nhà Trắng ngừng các hiệp định "bầu trời mở.".

Phản ứng lại điều này, Tổng Giám đốc hãng Emirates, Tim Clark cho rằng cáo buộc này không có cơ sở. Ông dự định sẽ đến Washington vào cuối tháng 3 để gặp gỡ với đại diện chính quyền Obama và đáp trả tất cả các công kích mà ông là đối tượng.

Tại cuộc họp thường niên vừa diễn ra tại Berlin giữa các hãng du lịch và các hãng hàng không quốc tế, ông nói:: "Chúng tôi đã xây dựng hãng hàng không của mình bằng máu, mồ hôi và nước mắt."

Trong khi đó, các hãng hàng không Mỹ vẫn bảo vệ quan điểm và cho rằng 3 đối thủ từ Trung Đông đã nhận ít nhất 5 tỷ USD trợ cấp được che giấu trong đó hơn 1,5 tỷ là để bù đắp những khoản thua lỗ do biến động giá dầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục