Ngày 23/5, thẩm phán Juan Merchan của Tòa án hình sự ở Manhattan, New York thông báo ông Donald Trump sẽ bị xét xử tại New York vào ngày 25/3/2024, điều này đồng nghĩa rằng cựu Tổng thống Mỹ sẽ phải ra tòa khi chiến dịch chạy đua vào vị trí ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2024 đang ở giai đoạn cao điểm.
Trong thông báo, thẩm phán Merchan cũng yêu cầu ông Trump hạn chế công khai thảo luận về bằng chứng mà bên công tố cung cấp.
Ông Trump đang bị cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền che giấu thông bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Theo các công tố viên, hành động này đã vi phạm quy định bầu cử của bang New York, cũng như mức giới hạn đóng góp kinh phí tranh cử theo luật bầu cử liên bang.
Cựu Tổng thống Trump, 76 tuổi, đang đối mặt với các cuộc điều tra cấp bang, liên bang và tại Quốc hội Mỹ, khiến nỗ lực tái tranh cử vào Nhà Trắng năm tới của ông trở nên khó khăn hơn.
Ông cũng đang bị điều tra về việc tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020 tại bang Georgia, cất giữ trái phép tài liệu mật của Nhà Trắng và liên quan đến vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội vào tháng 1/2021.
Ngày 4/4 vừa qua, ông Trump đã trình diện tại tòa án ở Manhattan, trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự, trong bối cảnh các công tố viên cáo buộc ông đã chi tiền để cho hai phụ nữ để ngăn chặn những thông tin bất lợi về mình.
Tại tòa, ông Trump đã bị cáo buộc tổng cộng 34 tội danh, trong đó có vi phạm quy định bầu cử khi tìm cách ngăn chặn những thông tin tiêu cực về ông trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Trump không thừa nhận bất kỳ tội danh nào. Trước đó, ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử tổng thống năm 2024 bất chấp bị truy tố.
[Cựu Tổng thống Mỹ Trump bị kết tội "lạm dụng tình dục" bà Carroll]
Trong khi đó, ngày 15/5, công tố viên đặc biệt Mỹ John Durham đã công bố báo cáo kết luận Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thiếu bằng chứng khi quyết định điều tra về mối liên hệ giữa đội ngũ vận động tranh cử hồi năm 2016 của cựu Tổng thống Donald Trump với giới chức Nga.
Trong báo cáo dài hơn 300 trang, công tố viên Durham kết luận tình báo Mỹ và cơ quan thực thi pháp luật đã không có bất kỳ "bằng chứng thực tế" nào để mở cuộc điều tra xung quanh nghi vấn về mối liên hệ giữa ê kíp vận động tranh cử của ông Trump và Nga.
Tài liệu trên cũng nêu chi tiết một số sai lầm của FBI, bao gồm cả việc các đặc vụ dựa quá nhiều vào các “gợi ý” do các đối thủ chính trị của ông Trump cung cấp để tiến hành điều tra.
Thêm vào đó, FBI bị cho là phân biệt đối xử khi có cách tiếp cận khác biệt trong cuộc điều tra ông Trump so với các cuộc điều tra nhạy cảm khác, bao gồm một số cuộc điều tra liên quan đến cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton./.