Mỹ-Trung và cuộc cạnh tranh chiến lược ở Nam Thái Bình Dương

Mỹ và các đồng minh chủ chốt trong khu vực vẫn đang gia tăng sự tập trung vào vấn đề cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc để giành ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương.
Mỹ-Trung và cuộc cạnh tranh chiến lược ở Nam Thái Bình Dương ảnh 1(Nguồn: eurasiareview.com)

Theo trang mạng foreignaffairs.com, trong Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Mỹ được công bố hồi tháng 1/2018, Washington đã thông báo về sự trở lại của cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường, gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" và dự báo về một khu vực "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở."

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố hoa mỹ này, vẫn còn những câu hỏi liên quan đến sự can dự không thường xuyên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với khu vực, sự thất bại của Washington trong việc phối hợp với các đồng minh trong các vấn đề quan trọng, và việc không đủ nguồn lực cho các sáng kiến bên ngoài lĩnh vực quân sự.

Những quan ngại này sẽ là mối bận tâm chính của nhiều nhà lãnh đạo quốc gia khi tham dự các hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực Đông Á tổ chức tại Singapore, và sau đó là Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Papua New Guinea trong tuần này.

Sự vắng mặt đáng chú ý nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã cử Phó Tổng thống Mike Pence thay ông tham dự các hội nghị.

Ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chủ trì một hội nghị với các nhà lãnh đạo của các quốc đảo Thái Bình Dương tại Papua New Guinea trước thềm cuộc họp APEC.

Tuy nhiên, bất chấp sự vắng mặt của Trump, Mỹ và các đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực cuối cùng vẫn gia tăng sự tập trung vào vấn đề cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc để giành ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương.

Liên quan đến các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, Washington đang phối hợp chặt chẽ với Canberra, Tokyo và Wellington, đồng thời mở rộng các nguồn lực quan trọng.

Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu của chiến lược mới này dường như không giúp được khu vực, cũng không làm giảm được những bất ổn do sự hiện diện ngày càng gia tăng của Bắc Kinh gây ra.

Một khu vực chiến lược sống còn

Các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương chỉ chiếm một diện tích nhỏ trong một đại dương rộng lớn, nhưng họ rất quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực - đặc biệt là Australia, New Zealand và Nhật Bản.

Tất cả các quốc gia này đều quan tâm đến việc đảm bảo rằng việc tiếp cận thương mại và quân sự trên khắp Thái Bình Dương hoàn toàn tự do và không bị cản trở; mở rộng các thể chế dân chủ và các tiêu chuẩn về tự do.

Vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã đẩy mạnh hoạt động trên khắp Thái Bình Dương, gia tăng viện trợ và đầu tư vào khu vực này. Các quốc đảo Thái Bình Dương chắc chắn bị cám dỗ bởi nguồn tài chính dồi dào và việc Bắc Kinh sẵn sàng tham gia các dự án phát triển lớn với một số ít điều kiện.

Tất nhiên, các khoản đầu tư đáp ứng nhu cầu địa phương và hỗ trợ tăng trưởng địa phương nên được hoan nghênh. Nhưng trong quá nhiều trường hợp ở Nam Thái Bình Dương và các nơi khác, đầu tư của Trung Quốc không minh bạch một cách đáng lo ngại, làm suy yếu chủ quyền quốc gia, và bòn rút tài nguyên bất chấp lợi ích của cộng đồng địa phương.

[Mỹ và đồng minh phương Tây kiềm chế Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương]

Hơn nữa, đặc biệt là ở Nam Thái Bình Dương, đầu tư của Trung Quốc thường dẫn tới sự xuống cấp về môi trường, tham nhũng và tội phạm, và làm gia tăng tình trạng căng thẳng về tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả thủy sản.

Đáng tiếc là, phần lớn hoạt động đầu tư của Trung Quốc đã diễn ra trong bối cảnh Washington và các đồng minh của họ bỏ mặc khu vực này. Trong thập kỷ qua, Australia, New Zealand và Mỹ đã cắt giảm viện trợ cho Nam Thái Bình Dương và tập trung sự chú ý vào các nơi khác trên thế giới.

Washington và các đồng minh trở lại

Tuy nhiên, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự bỏ mặc này đang chấm dứt. Tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo quỹ tài trợ mới trị giá 113 triệu USD nhằm mở rộng sự can dự về kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và đến tháng 9, Mỹ lại cam kết tham gia sáng kiến Cơ sở hạ tầng khu vực Thái Bình Dương, một trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu các vấn đề cơ sở hạ tầng cho các quốc đảo Thái Bình Dương, để điều phối tốt hơn khoản đóng góp hàng năm trị giá hơn 350 triệu USD cho các quốc đảo này.

Gần đây, Quốc hội đã thông qua Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD), một sáng kiến trị giá 60 tỷ USD nhằm khuyến khích đầu tư cho khu vực tư nhân, với mục đích cung cấp giải pháp thay thế chất lượng cao cho Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Ngoài ra, Quốc hội Mỹ đã xúc tiến, mặc dù chưa thông qua, một Đạo luật Sáng kiến bảo lãnh châu Á, sẽ cho phép lập một quỹ tài trợ mới trị giá hơn 7,5 tỷ USD trong 5 năm tới.

Trong khi đó, Nhật Bản đã thực hiện một cam kết quan trọng ở Đông Nam Á nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao, có ảnh hưởng lớn thông qua sáng kiến Đối tác vì Cơ sở hạ tầng chất lượng trị giá 200 tỷ USD.

Tokyo cũng đã tăng cường đầu tư, viện trợ và hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương, xây dựng một trung tâm biến đổi khí hậu ở Samoa, thúc đẩy sự hiện diện ngoại giao trong khu vực, tăng cường trao đổi các phái đoàn doanh nghiệp đến khu vực.

New Zealand đã coi viện trợ cho các nước láng giềng ở Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của mình. Mùa Xuân vừa qua, Thủ tướng Jacinda Ardern đã công bố "Ngân sách Thái Bình Dương" của chính phủ, tăng 714 triệu đôla New Zealand (498 triệu USD) trong ngân sách đối ngoại của nước này trong 4 năm tới, hỗ trợ phát triển hơn nữa và tăng cường sự hiện diện về mặt ngoại giao trong khu vực, và dự thảo ngân sách cho các chương trình trao đổi bổ sung.

Wellington cũng chi hơn 2 tỷ đôla New Zealand (1,6 tỷ USD) để mua máy bay P-8A Poseidon nhằm củng cố năng lực tuần tra hàng hải của họ và tăng cường khả năng hỗ trợ cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong việc đối phó với thiên tai.

Tuy nhiên, có lẽ sáng kiến ấn tượng nhất là bài phát biểu tuần trước của Thủ tướng Australia Scott Morrison. Công bố một chương mới trong quan hệ Australia-Thái Bình Dương, Morrison khẳng định Canberra đã "trả lại Thái Bình Dương về nơi mà nó nên ở - đó là vị trí hàng đầu và trung tâm trong quan điểm chiến lược của Australia."

Morrison cam kết chi 2 tỷ đôla Australia (1,4 tỷ USD) cho các dự án hạ tầng khu vực và một dự án khác trị giá một tỷ đôla Australia (719 triệu USD) cho các doanh nghiệp Australia hoạt động ở Thái Bình Dương.

Ông cũng cam kết tăng cường sự hiện diện về quân sự trong khu vực, một căn cứ hải quân chung trên đảo Manus, các cuộc họp thường niên giữa các lực lượng quốc phòng, cảnh sát và biên giới, và bổ sung các chức vụ ngoại giao mới tại Quần đảo Cook, Polynesia thuộc Pháp, Quần đảo Marshall, Niue và Palau.

Tất cả những động thái này chứng tỏ Mỹ và các đồng minh của họ trong khu vực đang chuyển sang tập trung vào sự thách thức chiến lược, sẵn sàng cam kết nhiều nguồn lực hơn, và nhận thực rõ nhu cầu cạnh tranh chiến lược mang lại cho các quốc đảo Thái Bình Dương một con đường khả thi và hấp dẫn để phát triển bền vững. Kết hợp với nhau, những sáng kiến này giờ đây giống với nỗ lực hợp tác của một liên minh các quốc gia có cùng mục đích trong việc theo đuổi mục tiêu chung.

Hơn nữa, đây chỉ là một sự khởi đầu. Có nhiều bên quan tâm - Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Vương quốc Anh, trong số những người khác - những bên cũng có thể chọn cùng hợp tác chặt chẽ hơn trong khu vực.

Mỹ có một cơ hội dẫn đường trong việc tập hợp những nỗ lực này. Họ sẽ bắt đầu bằng cách phối hợp tốt hơn với các đồng minh. Như Ngoại trưởng New Zealand, Winston Peters nhấn mạnh hồi tháng 3 năm nay, "chúng ta cần tiếp thêm năng lượng và nguồn lực để duy trì ảnh hưởng tương đối của chúng ta."

Hiện nay gần như không thể có được bức tranh tổng thể về các hành động mà mỗi chính phủ đang thực hiện. Sự phối hợp nên bắt đầu bằng cách tập hợp các nỗ lực hiện nay, điều chỉnh sự chồng chéo, xác định nỗ lực nào cần được ưu tiên và các quốc gia nào được trang bị tốt nhất cho các loại nhiệm vụ nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.